Dầu tăng hơn 1% lên cao nhất trong gần 3 tháng
Giá dầu tăng hơn 1% vào ngày thứ Năm (13/07) lên mức cao nhất trong gần 3 tháng, sau khi dữ liệu lạm phát tại Mỹ cho thấy lãi suất ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gần chạm mức đỉnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tiến 1.25 USD (tương đương 1.6%) lên 81.36 USD/thùng. Hợp đồng này đã chạm mức đỉnh trong phiên là 81.57 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 25/04/2023.
Hợp đồng dầu WTI cộng 1.14 USD (tương đương 1.5%) lên 76.89 USD/thùng. Mức đỉnh trong phiên là 77.13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 26/04/2023.
Dữ liệu vào ngày thứ Tư (12/07) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 tại Mỹ tăng nhẹ và ghi nhận mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong hơn 2 năm khi lạm phát tiếp tục suy giảm.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, cho biết dữ liệu đã khiến chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022, qua đó giúp thúc đẩy giá dầu.
Đồng USD suy yếu làm dầu thô trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Các thị trường kỳ vọng chỉ còn một đợt nâng lãi suất nữa. Lãi suất cao hơn có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.
Giá dầu đã leo dốc hơn 11% trong 2 tuần qua, chủ yếu là do động thái cắt giảm nguồn cung từ các quốc gia sản xuất dầu hàng đầu Ả-rập Xê-út và Nga.
Cấu trúc hợp đồng dầu Brent tương lai cho thấy thị trường đang khan hiếm và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể đang thành công trong sứ mệnh hỗ trợ thị trường.
Phí bảo hiểm của hợp đồng dầu Brent giao ngay với hợp đồng dầu Brent kỳ hạn 6 tháng đã tăng lên 2.64 USD/thùng vào ngày thứ Tư.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày thứ Năm dự báo nhu cầu dầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, mặc dù những khó khăn kinh tế và việc nâng lãi suất có nghĩa là mức tăng sẽ thấp hơn một chút so với dự đoán trước đó.
Một báo cáo của OPEC công bố vào ngày thứ năm đã duy trì triển vọng lạc quan về nhu cầu dầu thế giới bất chấp sự suy yếu của nền kinh tế. OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2023 và dự đoán nhu cầu chỉ giảm nhẹ trong năm 2024, với Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tăng cường sử dụng nhiên liệu.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, đà phục hồi sau đại dịch đã chậm lại, với xuất khẩu giảm trong tháng trước với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 3 năm, Cục Hải quan nước này cho biết.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|