Chủ Nhật, 25/06/2023 11:54

Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu được kỳ vọng là động lực đưa Đồng Tháp và ĐBSCL ‘bứt phá’

Dự án thành phần 1 (giai đoạn 1) của cao tốc Cao Lãnh – An Hữu đã được khởi công xây dựng vào hôm nay, 25-6. Đây được xác định sẽ là dự án động lực đưa kinh tế của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “bứt phá” thời gian tới…

Cao tốc Cao Lãnh- An Hữu là động lực phát triển kinh tế- xã hội cho Đồng Tháp và ĐBSCL. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

Phát biểu trực tuyến tại lễ khởi công dự án nêu trên và dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc đầu tư các dự án sẽ tạo ra không gian phát triển mới – nơi có điều kiện về tiềm năng, nhưng giao thông còn ách tắc.

Theo Thủ tướng, tuyến cao tốc Cao Lãnh- An Hữu được kết nối với đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và Mỹ An- Cao Lãnh, giúp tỉnh Đồng Tháp kết nối thuận tiện với các địa phương vùng ĐBSCL, tạo hệ thống giao thông tốt hơn, mở ra không gian phát triển mới, rộng hơn. “Đây cũng là điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ phù hợp với sự phát triển theo quy hoạch đã được duyệt ở ĐBSCL và theo quy hoạch chung của cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu và chuỗi các dự án đã được khởi công vừa qua là Cần Thơ- Hậu Giang- Cà Mau và Châu Đốc (An Giang)- Cần Thơ- Sóc Trăng cùng một số dự án trong khu vực phía Nam như đường vành đai 3 (TPHCM), tuyến cao tốc Biên Hoà- Vũng Tàu…, sẽ là động lực phát triển rất lớn về kinh tế- xã hội cho khu vực nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566 km đường cao tốc được khởi công từ nhiệm kỳ trước, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1.729 km.

Các dự án đang thi công có tổng chiều dài 350 km và từ đầu năm 2023 đến nay đã khởi công thêm các dự án có tổng chiều dài 1.406 km. “Như vậy, cùng với 1.729 km đã khai thác và các dự án đã khởi công, đang thi công, thì đến cuối tháng 6-2023, tổng chiều dài đường cao tốc cả nước là gần 3.500 km”, Thủ tướng cho biết.

Ngoài ra, Thủ tướng cho biết, các dự án cao tốc đang nghiên cứu và sẽ phê duyệt khoảng 300 km. “Với sự quyết tâm chung, nhất là có sự ủng hộ của nhân dân khi giải phóng mặt bằng, thì kết quả đạt được là rất khả quan. Đây sẽ là tiền đề giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế cho các địa phương”, ông nói.

Các địa biểu thực hiện nghi thức khởi công cao tốc. Ảnh: TC

Trước đó, phát biểu tại lễ khởi công, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng nhấn mạnh, giao thông vận tải là huyết mạch, là động lực đi trước một bước để tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế- xã hội, phát triển đô thị, đảm bảo quốc phòng- an ninh.

Theo ông Nghĩa, đây là lần đầu tiên tỉnh Đồng Tháp được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách nên địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo để chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: TC

Đứng ở góc độ người dân, ông Nguyễn Văn Vũ, ngụ xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nói: “Chúng tôi mong các tuyến đường kết nối tỉnh Đồng Tháp với các địa phương trong vùng ĐBSCL ngày càng nhiều hơn, thuận tiện hơn để nông sản của nông dân đi xa hơn”. Theo ông Vũ, đây cũng là cơ hội để người dân đi lại, mua bán và giao lưu văn hoá với TPHCM được thuận tiện hơn.

Dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu được đầu tư công từ nguồn phục hồi phát triển kinh tế xã hội và vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025.

Theo đó, giai đoạn 1 của dự án được chia làm 2 dự án thành phần với tổng vốn đầu tư 5.886 tỉ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 được khởi công vào hôm nay, 25-6, do UBND tỉnh Đồng Tháp phụ trách, có tổng vốn đầu tư 3.640 tỉ đồng và dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang phụ trách có tổng vốn đầu tư 2.246 tỉ đồng.

Dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp và dự án thành phần 2 có chiều dài 11,43 km thuộc tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp có tổng mức đầu tư 2.246 tỉ đồng.

Dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu có quy mô giai đoạn hoàn thiện với mặt cắt ngang 4 làn xe hoàn chỉnh, có bề rộng nền/mặt đường là 24,75/23,25 mét; vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Trong đó, quy mô giai đoạn 1 có mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế, bề rộng mặt/nền đường là 17/16 mét, vận tốc khai thác 80 km/giờ.

Dự án thành 1 sẽ xây dựng 19 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, trong đó, 17 cầu trên tuyến cao tốc và 2 cầu nhánh nút giao; xây dựng 15 cống thoát ngang; xây dựng hệ thống rãnh dọc giữa đường cao tốc và đường gom đảm bảo thoát nước nền, mặt đường; xây dựng 7,135 km đường gom với bề mặt nền/mặt đường là 5/3,5 mét.

Dự án có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối giao với cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Thời gian thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu từ năm 2022 đến 2027.

Để dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu nói chung và dự án thành phần 1 (giai đoạn 1) thực hiện đảm bảo, Thủ tướng Chính phủ cho rằng công việc tiếp theo còn rất lớn nên các đơn vị liên quan cần tiếp tục bám sát tiến độ, phân cấp phân quyền, rà soát lại các công việc để bố trí thời gian, nguồn lực nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ theo đúng yêu cầu, mục tiêu.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân đến nơi ở mới với điều kiện cuộc sống ít nhất cũng bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.

Đối với vấn đề chuẩn bị vật liệu xây dựng, bãi thải, cát, đá…, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, các đơn vị liên quan phải quan tâm vì đây là vấn đề còn nhiêu ách tắc trong thời gian qua đối với các dự án hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu địa phương phải vào cuộc tích cực, tránh tham nhũng, tiêu cực trong việc khai thác nguyên vật liệu thông thường để phục vụ cho dự án. “Cần tránh việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật”, ông nói.

Dự án thành 1 phần của dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh- An Hữu (giai đoạn 1) do Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhà thầu tư vấn lập dự án là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình 625; nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật là liên danh Công ty cổ phần tư vấn  xây dựng công trình 625- Công ty TNHH  tư vấn xây dựng Cao Cường.Nhà thầu thi công là liên danh Công ty cổ phần tư đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C- Công ty TNHH  MTV cơ khí xây dựng Thiên An- Công ty TNHH đầu tư xây dựng DACINCO; nhà thầu tư vấn giám sát là liên danh Viện khoa học và công nghệ giao thông vận tải- Viện Công nghệ xây dựng cầu đường phía Nam. Thành phần một của dự án (giai đoạn 1) có thời gian thi công là 840 ngày.Dự án cao tốc Cao Lãnh- An Hữu sau khi hoàn thành sẽ không thu phí phương tiện qua lại để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có liên qua và vùng ĐBSCL.

Trung Chánh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đã bố trí 1.200 tỉ đồng đầu tư đường Hồ Chí Minh qua Thái Nguyên (25/06/2023)

>   Chuyên gia hiến kế ‘phá băng’ bất động sản, dân kiện văn phòng đăng ký đất đai (25/06/2023)

>   TP.HCM khó bồi thường khi thu hồi nhà nhiều hộ, nhiều tầng (25/06/2023)

>   Liệu Việt Nam có tránh được vết xe đổ của Trung Quốc? (24/06/2023)

>   Bộ Giao thông Vận tải lập hai tổ công tác kiểm tra về vật liệu cao tốc Bắc – Nam (24/06/2023)

>   Loạt vi phạm về đất đai, sân golf, hé lộ việc rao bán BĐS siêu hiếm trăm tỷ (24/06/2023)

>   Giải quyết thủ tục đăng ký khai thác mỏ vật liệu xây dựng làm cao tốc trước 30-6 (23/06/2023)

>   Lãi suất liên tục giảm, khi nào bất động sản 'nóng' trở lại? (23/06/2023)

>   Bắc Ninh chuyển khu công nghiệp thành đô thị (23/06/2023)

>   Quốc hội lập đoàn giám sát về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (22/06/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật