Lãi suất liên tục giảm, khi nào bất động sản 'nóng' trở lại? Lãi suất hạ nhiệt phần nào tác động đến thị trường bất động sản, nhất là đến tâm lý thị trường, thanh khoản có sự cải thiện. Thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ thay đổi ra sao?
Từ tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành. Theo đó, từ ngày 19/6, một loạt lãi suất điều hành áp dụng điều chỉnh giảm. Đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm.
Động thái giảm lãi suất này được giới chuyên gia đánh giá là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Qua đó, kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Từ góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, lãi suất hạ nhiệt có phần nào tác động đến thị trường bất động sản, nhất là đến tâm lý thị trường.
“Dù tác động chưa thực sự rõ nét, tuy nhiên giao dịch có cải thiện một chút. Tại Đất Xanh từ tháng 4 đến nay cũng túc tắc có giao dịch; trung bình mỗi tháng khoảng 25-30 giao dịch, thay vì trước đó chỉ 4-5 giao dịch. Các giao dịch chủ yếu ở thị trường Hà Nội là chính”, ông Quyết cho hay.
Theo vị lãnh đạo này, dù cải thiện, nhưng số lượng giao dịch như vậy vẫn rất chậm.
Lãi suất giảm lần thứ tư sẽ tác động ra sao đến thị trường bất động sản. (Ảnh: Hoàng Hà) |
“Lãi suất đầu vào hạ, nhưng lãi suất đầu ra, cho vay chưa hạ nhiều. Người vay mua nhà hiện vẫn chịu lãi suất 11-12%, thực sự khó khăn để ‘kéo’ thanh khoản bất động sản lên. Lãi suất cho vay phải giảm xuống dưới 10%, thị trường sẽ có tác động rõ nét hơn.
Còn với doanh nghiệp bất động sản, khi bài toán lãi suất cao, ở mức 11-13% sẽ ảnh hưởng đến chi phí cao. Doanh nghiệp có dự án muốn bán giá hợp lý, giá rẻ nhưng chi phí đầu vào, nhất là chi phí lãi suất vẫn cao; chi phí giá thành như vật liệu xây dựng, nhân công không giảm… buộc giá bán nhà phải cao. Khi giá bán cao tính thanh khoản không tốt được”, ông Quyết phân tích.
Cũng theo ông Quyết, mặc dù Chính phủ đã vào cuộc “gỡ” các vấn đề về trái phiếu, gia hạn khoản vay… rất tốt cho doanh nghiệp nói chung.
Nhưng theo ông, làm sao lãi suất cho doanh nghiệp vay cũng phải giảm xuống 9-10% để các doanh nghiệp dễ “thở” hơn. Khi đó, sẽ có các nguồn hàng đẩy ra thị trường với giá tốt hơn.
“Hy vọng tăng trưởng quý III, quý IV sẽ tốt hơn, khi đó sẽ kéo theo cả thị trường kinh tế tốt hơn, từ đó bất động sản cũng sẽ khởi sắc.
Trong quý III/2023 tới, với các tín hiệu tích cực sẽ không khiến thị trường “đóng băng” như trước. Tuy nhiên, để có sự đột biến, phá băng bất động sản ngay hay có giao dịch đột phá trên thị trường là chưa thể diễn ra. Song, tính thanh khoản sẽ được cải thiện tốt hơn so với thời gian này”, ông Quyết nhận định thêm.
Cũng chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, lãi suất giảm sẽ có tác động tốt tới thị trường bất động sản.
Thế nhưng, với mức giảm lãi suất như hiện nay, theo ông Đính, nhà đầu tư, chủ đầu tư mới chỉ thấy “phấn khởi”, còn để thực sự tiếp cận dòng vốn vẫn phải tính toán vì mức lãi suất vẫn ở ngưỡng khó hấp thụ.
“Trong giai đoạn này mặt bằng giá “tụt” xuống, hấp thụ thị trường yếu, lãi suất cho vay vẫn cao… nên việc vay vốn ngân hàng đầu tư sẽ thấp. Không chỉ chủ đầu tư cân nhắc mà nhà đầu tư cũng cân nhắc việc vay vốn đầu tư thời điểm này.
Trong khi đó, với ngân hàng thì việc hạ lãi suất vừa hạ cũng vừa theo dõi, kiểm soát các vấn đề lạm phát, tỷ giá… Do đó, lãi suất cho vay cũng chưa thể giảm ngay, chưa theo kịp với mức giảm của lãi suất huy động, còn phải chờ đợi”, ông Đính nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, với tình hình hiện nay, thị trường bất động sản vẫn khó sôi động vào cuối năm mà chỉ có dấu hiệu phục hồi.
“Nếu quý III và quý IV/2023, nếu các vấn đề pháp lý của dự án bất động sản cơ bản được “gỡ’, các dự án bắt đầu có dấu hiệu hoạt động trở lại; thị trường bất động sản có dấu hiệu của sự hồi phục. Khi đó, thị trường sẽ dần dần ổn định trở lại”, ông Đính nhận định thêm.
Nguyễn Lê VietNamNet
|