PCI 2022 - TP.HCM cần một “đòn bẩy”
Sau cú sốc giảm sâu GRDP vào quý 1/2023, TP.HCM lại tiếp tục “rơi tự do” đến 13 bậc trong bảng xếp hạng "Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (PCI) 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Sau 3 năm liên tục giậm chân tại chỗ với vị thứ 14 thì nay, đã “leo” lên vị trí thứ 27.
Những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo thành phố nhằm “lấy lại những gì đã mất” trước đại dịch COVID-19 xảy ra đã không thể chống đỡ nổi những sang chấn từ khủng hoảng địa chính trị - kinh tế toàn cầu, tác động một cách nặng nề đến Việt Nam, trong đó hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chịu dư chấn khá sâu, toàn cục.
Điều đáng nói, trong bản thân nội tại của thành phố, các biện pháp nhằm khắc phục sức ì, thúc đẩy tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ công chức, nhất là trong hệ thống quản lý nhà nước, cấp sở ngành và chính quyền quận, huyện, dù có “động” nhưng chưa chuyển, chuyển không đủ mạnh.
Nhìn vào bảng Chỉ số, danh mục tăng rơi vào “Gia nhập thị trường”, “Tính minh bạch”, “Chi phí thời gian”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Thiết chế pháp lý”, đã cho thấy sự nỗ lực chủ yếu ở cấp lãnh đạo. Với việc tổ chức nhiều hội nghị, cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp; đưa ra nhiều thông điệp và cam kết cùng đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đề ra một số quy định và xây dựng bộ công cụ để một mặt giám sát một mặt thúc đẩy tính thực thi trong bộ máy công vụ ở các lĩnh vực nóng, quan trọng đã mang lại sự cải thiện đáng kể.
Nhưng, nhìn danh mục giảm thì lại là “Tiếp cận đất đai”, “Chi phí không chính thức”, “Tính năng động”, “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, “Đào tạo lao động”, phần nào nói lên “dưới lạnh” - tức ở bộ phận trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục, hồ sơ… cho doanh nghiệp. Nếu ở chỉ số “Đào tạo lao động” có thể hiểu được về hiện trạng u ám của bức tranh sản xuất - lao động trong năm 2022, kéo sang cả quý 1/2023; hoặc chỉ số “Tiếp cận đất đai” do những hệ lụy từ cơn đóng băng bất động sản cũng như cuộc rà soát, kiểm tra toàn diện hậu “đóng băng”…; thì chỉ số “Tính năng động”, “Chi phí không chính thức” là một thực tế “khó nuốt”, khó chấp nhận.
Một thành phố với đặc tính năng động thì nay lại suy giảm về chính cái đặc tính ấy. Cũng như sức nóng từ những cuộc “đốt lò” đã phần nào kềm tỏa, kiểm soát vấn nạn tham nhũng, tiêu cực - nhưng để triệt tiêu thói nhũng nhiễu trong ngóc ngách của guồng máy công vụ thì vẫn chưa thật sự hiệu quả. Điều này cũng nói lên sự tương tác của người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp, cơ quan chức năng sở ngành thông qua Tổng đài 1022 hay bộ công cụ DDCI (năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương) của thành phố trong năm 2022 chưa được phát huy tốt.
Đó là chưa kể, sự giậm chân, chứ chưa nói thụt lùi trong khi các địa phương bạn đều nỗ lực vượt lên cũng đồng nghĩa là đã phải tụt hạng. Đặt trong tình hình hậu đại dịch, những tác động nặng nề là không thể tránh, nhất là TP.HCM lại mất sức nghiêm trọng sau cơn “bạo bệnh” COVID-19 so với các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đều chung cuộc giảm sức cạnh tranh. Để phục hồi, tất nhiên không thể chỉ sau một năm.
Song, từ kết quả xếp hạng PCI 2022, một lần nữa đã và đang đặt năng lực, trách nhiệm của chính quyền thành phố cùng bộ máy quản trị - kinh tế ở các cấp ngành trước và trong một áp lực lớn, phải bằng mọi cách để thay đổi và tạo lập một môi trường công vụ lành mạnh, chuyên nghiệp, văn minh; phải bằng mọi giá để vượt lên những khiếm khuyết cố hữu, triệt bỏ những “tập quán” tiêu cực. Kết quả không chỉ là cải thiện vị thứ xếp hạng mà lấy lại vị thế của một thành phố đầu tàu, một đô thị văn minh có sức kết nối đa dạng, một vùng đất mang sứ mệnh hội tụ văn hóa.
Đó mới chính là sức mạnh thật sự của thành phố, nó đang cần một “đòn bẩy” để nhấc bổng những sức ì, tháo bỏ những điểm nghẽn…
Quốc Học
FILI
|