Lựa chọn ngược dòng để hỗ trợ tăng trưởng
Tăng trưởng tín dụng quí 1-2023 chỉ đạt hơn 2% tuy chưa hẳn là một vấn đề đáng lo nhưng đó cũng là chỉ dấu cho thấy nền kinh tế đang không khỏe.
Ngày 31-3 vừa qua, lần thứ hai trong vòng nửa tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành từ 0,3-0,5 điểm phần trăm, có hiệu lực từ ngày 3-4-2023. Lựa chọn điều hành lãi suất ngược dòng với hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cho thấy, bên cạnh chống lạm phát, Việt Nam vẫn rất quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo đại diện NHNN, lạm phát dù tăng nhưng đã có xu hướng chậm lại, trong khi tăng trưởng kinh tế đang đối diện với quá nhiều thách thức nên giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là cần thiết. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quí 1-2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.
Bức tranh nhiều gam màu ảm đạm thể hiện trong tốc độ tăng trưởng quí 1-2023 của nhiều địa phương mà điều xảy ra tại TPHCM đơn giản chỉ đang là tâm điểm chú ý. Quả thực, mức tăng 0,7% của đầu tàu kinh tế cả nước, dù thấp hơn kỳ vọng, nhưng vẫn khả quan hơn rất nhiều so với những trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính khác như Bắc Ninh (giảm 11,85%), Quảng Nam (giảm 10,88%), Vĩnh Phúc (giảm 2,47%). Trong bối cảnh không mấy khả quan ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp thì giảm lãi suất là một hành động thiết thực.
Tăng trưởng tín dụng sau ba tháng đầu năm chỉ đạt hơn 2%, tất nhiên là có một phần nguyên nhân do nhu cầu vay của lĩnh vực bất động sản đã bị siết lại, nhưng nó cũng đến từ việc doanh nghiệp quá khó khăn nên không có nhu cầu vay hoặc không chịu đựng nổi mặt bằng lãi suất quá cao.
Dù vậy thị trường vẫn đang tồn tại một nghịch lý, đó là trong khi tiền bị kẹt trong hệ thống ngân hàng thì vẫn còn một lượng lớn doanh nghiệp có nhu cầu về vốn nhưng không thể vay, buộc phải tìm kiếm ở những kênh khác có lãi suất cao hơn. Họ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vào giữa tháng 3-2023, một cuộc hội thảo tìm giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho nhóm doanh nghiệp này đã được NHNN tổ chức. Theo thông tin từ cuộc hội thảo, tới cuối năm 2022, dư nợ tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế. Theo các số liệu thống kê, tại Việt Nam, tỷ trọng cho vay với tài sản bảo đảm là bất động sản chiếm tới 70% tổng dư nợ vay. Đây là lý do chính khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do không có bất động sản làm tài sản bảo đảm, không thể tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng. Đây là khó khăn đã tồn tại từ nhiều năm qua và cho đến nay vẫn chưa tìm ra lối thoát.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong vấn đề giải quyết công ăn việc làm và ổn định xã hội. Một nền kinh tế bền vững phải được xây dựng trên nền tảng vững mạnh của hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hỗ trợ cho tăng trưởng. Nhưng họ làm sao có thể mạnh được khi phải chịu nhiều bất công trong tiếp cận các nguồn lực, trong đó có tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Hoàng Hạnh
TBKTSG
|