Thứ Tư, 05/04/2023 13:00

“Phải trả lời dứt khoát được hay không được”

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong số 156 dự án mà các doanh nghiệp “cầu cứu" UBND TP.HCM từ đầu năm 2022, đến nay mới có 4 dự án có chủ trương tháo gỡ khó khăn với cùng một vấn đề là cho bán nhà ở hình thành trong tương lai với tỷ lệ chỉ 50% số căn hộ được bán (không phải 100% như trước đây). Điều đáng nói, đó chỉ mới là “chủ trương” chứ vẫn chưa ban hành văn bản chính thức đồng ý.

Một số doanh nghiệp có dự án được bố trí lịch làm việc với UBND TP đã tiết lộ, qua hai lần họp, phía doanh nghiệp trình bày, đề xuất tháo gỡ; phía chính quyền lắng nghe, tiếp nhận. Sau cuộc họp (tính từ ngày 20/02) đến nay, ngoài động thái UBND TP giao cho các sở ngành rà soát báo cáo, còn lại vẫn chưa có tiến triển gì hơn.

Điển hình như dự án Shizen Home (Q.7) của Công ty Gotec Land đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đóng xong tiền sử dụng đất, được Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép xây dựng ngày 13/05/2021 và nghiệm thu hoàn thành phần móng, hầm, tầng 1, đang tiếp tục thi công các tầng tiếp theo kế hoạch. Theo luật Kinh doanh BĐS, như vậy dự án đã đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai. Nhưng cho đến nay, qua nhiều lần nộp hồ sơ lần 1 để đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại, công trình trên vẫn bị Sở Xây dựng "bác".

Vấn đề là các doanh nghiệp khi gặp vướng mắc họ đã kêu cứu nhiều lần, lãnh đạo sở ngành và UBND TP cũng đã tiếp nhận, tiếp cận hồ sơ đầy đủ nhưng vẫn tiếp tục bố trí họp, lại lắng nghe, giao các cấp rà soát mà vẫn chưa thể “chốt hạ” được cách giải quyết cụ thể. Vì sao đã thấy những điểm “tắc” nhưng các cơ quan chức năng lại vẫn “nghẽn” về trách nhiệm tháo gỡ, xử lý dứt điểm cho doanh nghiệp?

Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 20, khóa XI (mở rộng) tổ chức ngày 04/04, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ rõ hiện có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có sự e dè, thận trọng, né tránh, tâm tư tình cảm trong giải quyết công việc: “Trong công việc, quan trọng nhất người ta hỏi, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời dứt khoát được hay không được, chứ để đó không nói để doanh nghiệp và người dân phải chờ. Khi giải quyết công việc phải có quy chế phối hợp và thời gian giải quyết. Nên có quy định trong khoảng thời gian không trả lời, coi như đồng ý. Trong đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ những hoạt động liên quan”.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu những cán bộ được phân công phụ trách các đơn vị phải bám sát nhiệm vụ được phân công, tập trung quan tâm chỉ đạo công tác trọng tâm đã đề ra. Nhất là đầu tư công, giải phóng mặt bằng và giải quyết vụ việc mà người dân, doanh nghiệp đang chờ đợi.

Trước đó, ngày 01/04, tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp quý 2/2023 và cho những năm kế tiếp của UBND TP.HCM, khi bàn về nguyên nhân của tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 giảm sâu (GRDP của TP.HCM chỉ đạt 0.7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương), Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã “điểm mặt" một số Sở tồn đọng nhiều văn bản như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND TP. Từ đó ông đề nghị các đơn vị này phải có sự rà soát, phân nhóm cụ thể. Trong tháng 4 phải công bố trên trang web của từng đơn vị và phải thông báo, báo cáo về UBND để rà soát các dự án đang nằm lại, nỗ lực để tháo gỡ cho các dự án chạy, kể cả dự án công và tư.

Người đứng đầu chính quyền thành phố nêu cụ thể công việc phải giải quyết theo ba nhóm: Nhóm có thể giải quyết được ngay, cần giải quyết trong thời hạn quy định. Nhóm việc cần có sự phối hợp với các cơ quan khác, cần chủ động phối hợp, đeo bám và cơ quan nào không có ý kiến là coi như đồng ý, không phải chờ trả lời. Cuối cùng là nhóm các công việc còn vướng mắc phải báo cáo UBND để có ý kiến xử lý.

Trong khi tiếp tục chờ những nỗ lực để “vượt lên chính mình” bởi những khó khăn, thách thức nội tại của thành phố thì ở những dự án, chương trình có tính liên ngành, phải chờ ý kiến của các bộ trung ương lại vẫn là nguyên nhân khiến cho mọi hoạt động triển khai cứ… dài cổ. Điển hình là chương trình nhà ở xã hội đang chững lại và còn lâu mới bắt kịp mục tiêu đến cuối năm 2025 xây mới 35,000 căn nhà ở xã hội và khu lưu trú công nhân. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội vận hành kỹ thuật với 260 căn. Còn lại 18 dự án đã đăng ký và khởi công, động thổ 9 dự án nhưng hầu hết chưa triển khai. Nguyên nhân là vướng mắc Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư…và để giải quyết thì lại phụ thuộc vào thẩm quyền của các bộ ngành trung ương.

Rõ ràng, ý chí, quyết tâm tháo gỡ những điểm tắc, vướng mắc là có thật nhưng hành động thực thi vẫn còn nhiều chỗ “nghẽn” nên nhìn chung, dòng chảy phục hồi - phát triển kinh tế - xã hội vẫn cứ khúc nông khúc sâu, bên bồi ít hơn bên lở, dẫn tới hệ lụy… dở nhiều hơn hay!

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6.5% năm 2023 (04/04/2023)

>   Thủ tướng: Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân (03/04/2023)

>   Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về tình hình KTXH (03/04/2023)

>   Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM (03/04/2023)

>   PMI tháng 3/2023: Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm đều giảm (03/04/2023)

>   Trưởng BQL khu công nghệ cao nói về rào cản khiến Việt Nam mất lợi thế thu hút đầu tư (02/04/2023)

>   OECD dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm nay (01/04/2023)

>   Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 1.5 triệu doanh nghiệp   (01/04/2023)

>   Tăng trưởng ngấm đòn? (31/03/2023)

>   Tăng trưởng GRDP quý 1/2023 của TPHCM chỉ đạt 0.70%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (30/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật