World Bank cảnh báo thập kỷ mất mát nếu không có chính sách táo bạo
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trung bình có thể giảm xuống mức thấp nhất ba thập kỷ ở 2.2% mỗi năm cho đến năm 2030, mở ra một “thập kỷ mất mát” cho nhân loại, trừ khi các Chính phủ áp dụng chính sách táo bạo để thúc đẩy nguồn cung lao động, năng suất và đầu tư, World Bank (WB) cảnh báo ngày 27/03.
Trong báo cáo mới đây, WB cho biết nếu không thể đảo ngược sự suy yếu dự kiến trong tăng trưởng GDP tiềm năng, nó sẽ có tác động lớn đến khả năng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và xoá đói giảm nghèo của thế giới.
Nếu các quốc gia phối hợp với nhau để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực bền vững, cắt giảm chi phí thương mại, thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và mở rộng lực lượng lao động, tăng trưởng GDP tiềm năng có thể tăng thêm 0.7 điểm phần trăm lên 2.9%, báo cáo cho hay.
Chuyên gia kinh tế trưởng Indermit Gill của WB cho biết: “Kinh tế toàn cầu có thể sẽ trải qua một thập kỷ mất mát”. Tuy nhiên, ông cho rằng các chính sách khuyến khích việc làm, tăng năng suất và thúc đẩy đầu tư có thể giúp đảo ngược xu hướng này.
Theo ông Ayhan Kose, Giám đốc nhóm dự báo của WB, cơ quan này cũng đang theo dõi diễn biến của ngành ngân hàng trong bối cảnh lãi suất tăng và các điều kiện tài chính bị thắt chặt gây khó cho các nước đang phát triển.
Ông nói: “Sự suy yếu mà chúng tôi đang nói đến có thể nghiêm trọng hơn nhiều, nếu một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác nổ ra, đặc biệt nếu cuộc khủng hoảng đó đi kèm với suy thoái toàn cầu”. Suy thoái có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của nhiều năm tới.
Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là một kiểu “giới hạn tốc độ” đối với nền kinh tế toàn cầu, biểu thị tốc độ tăng trưởng tối đa trong dài hạn của nền kinh tế mà không gây ra lạm phát vượt mức.
Báo cáo của WB cho biết các cuộc khủng hoảng chồng chéo trong vài năm qua, bao gồm đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã chấm dứt gần ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, làm gia tăng lo ngại về tình trạng năng suất chậm lại. Kết quả là, tiềm năng tăng trưởng GDP trung bình được dự đoán giảm xuống 2.2% trong giai đoạn 2022 - 2030, từ mức 2.6% trong giai đoạn 2011 - 2021 và thấp hơn gần 1/3 so với mức 3.5% trong giai đoạn 2000 - 2010.
Đầu tư thấp cũng sẽ làm chậm quá trình tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển, với mức tăng trưởng GDP trung bình của họ dự báo giảm xuống 4% trong những năm còn lại của thập niên 2020, từ mức 5% trong giai đoạn 2011 - 2021 và 6% trong giai đoạn 2000 - 2010.
Theo báo cáo của WB, năng suất tăng, thu nhập cao hơn và lạm phát giảm đã giúp một trong 4 quốc gia đang phát triển đạt được thu nhập cao trong ba thập kỷ qua, nhưng những lực lượng kinh tế đó đang suy thoái. WB cho rằng năng suất có khả năng tăng ở mức chậm nhất kể từ năm 2000, còn tăng trưởng đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2024 sẽ bằng một nửa tốc độ đã thấy trong 20 năm qua và thương mại quốc tế cũng đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều.
Để thay đổi quỹ đạo này, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo sự ổn định của ngành tài chính và giảm nợ, đồng thời thúc đẩy các khoản đầu tư thân thiện với khí hậu. Những nỗ lực này có thể giúp tăng trưởng kinh tế tiềm năng hàng năm tăng thêm 0.3 điểm phần trăm.
Ngoài ra, giảm chi phí liên quan đến vận chuyển, logistics… có thể thúc đẩy thương mại. Đồng thời, mở rộng xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số có thể mang đến tăng năng suất lớn, nâng cao tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đối với phụ nữ và những người khác có thể nâng tốc độ tăng trưởng tiềm năng toàn cầu tới 0.2 điểm phần trăm mỗi năm vào năm 2030.
Kim Dung (Theo Reuters)
FILI
|