Những cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong 4 thập kỷ qua
Thị trường đã trải qua những biến động rất lớn trong tháng qua, một phần do hai trong số ba vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất lịch sử nước Mỹ và thương vụ sáp nhập giữa UBS với ngân hàng đối thủ Credit Suisse do cơ quan quản lý Thụy Sỹ làm trung gian.
Những lo ngại về hậu quả lây lan vẫn còn. Giới đầu tư lo ngại các nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nếu có thêm nhiều ngân hàng đổ vỡ bởi làn sóng tăng lãi suất.
Dưới đây là tóm tắt về một số cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong 40 năm qua:
Khủng hoảng tiết kiệm và cho vay ở Mỹ
Hơn 1,000 tổ chức tiết kiệm và cho vay (S&L) đã bị xóa sổ trong cuộc khủng hoảng diễn ra suốt những năm 1980, dẫn đến việc người nộp thuế thiệt hại tới 124 tỷ USD.
Biến động bắt nguồn từ các khoản cho vay bất động sản và thương mại không lành mạnh của các S&L sau khi Mỹ dỡ bỏ trần lãi suất đối với các khoản vay và tiền gửi của họ, điều này cho phép họ dấn thân vào những khoản đầu tư rủi ro hơn bằng tiền của khách hàng.
Sau đó, những khoản đầu tư này gặp trở ngại và các S&L rơi vào cảnh thua lỗ đúng lúc Fed nâng lãi suất. Lãi suất tăng cao đồng nghĩa với việc nhiều khách hàng vay vốn từ các quỹ S&L gặp khó trong việc trả nợ.
Khủng hoảng trái phiếu “rác”
Sau gần một thập kỷ tăng trưởng siêu tốc, thị trường trái phiếu “rác” sụt giảm vào cuối những năm 1980 sau một loạt đợt tăng lãi suất của Fed.
Michael Milken là người đã giúp công cụ tài chính này trở nên phổ biến. Nhiều doanh nghiệp sử dụng nó như một cách tài trợ cho các thương vụ mua lại bằng đòn bẩy. Nhưng cung cuối cùng đã vượt cầu, và thị trường lao dốc. Milken bị buộc tội gian lận chứng khoán và báo cáo sổ sách, với khoản nộp phạt 200 triệu USD và ngồi tù 22 tháng.
Khủng hoảng đồng peso của Mexico
Trong một động thái bất ngờ vào tháng 12/1994, Mexico đã phá giá đồng tiền của mình, đồng peso, sau khi thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này gia tăng và dự trữ ngoại tệ giảm sút. Đất nước này cuối cùng đã nhận được hỗ trợ tài chính bên ngoài từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và khoản cứu trợ 50 tỷ USD từ Mỹ.
Khủng hoảng tiền tệ châu Á
Dòng vốn ồ ạt rút khỏi các nền kinh tế châu Á từ giữa đến cuối những năm 1990 đã gây áp lực lên các đồng tiền trong khu vực, buộc chính phủ phải can thiệp hỗ trợ.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu ở Thái Lan, nơi các nhà chức trách phải phá giá baht sau nhiều tháng cố gắng bảo vệ tỷ giá của đồng tiền này so với đồng bạc xanh, khiến dự trữ ngoại hối cạn kiệt. Hậu quả lây lan nhanh chóng lan sang các thị trường khác ở châu Á bao gồm Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia.
Các tổ chức toàn cầu, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đã phải vào cuộc với các gói giải cứu lên tới hơn 100 tỷ USD cho các nền kinh tế này.
Khủng hoảng quỹ LTCM
LTCM, quỹ phòng hộ sử dụng đòn bẩy cao của Mỹ này đã thua lỗ hơn 4 tỷ USD chỉ trong vài tháng vào năm 1998 sau cuộc khủng hoảng châu Á và cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo ở Nga. Quỹ này tham gia đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Nga với tỷ trọng rất lớn, và chịu tổn thất nặng nề sau khi Nga vỡ nợ và phải phá giá nội tệ của mình.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã giúp môi giới gói cứu trợ trị giá 3.5 tỷ USD cho LTCM và Fed phải hạ lãi suất ba lần trong những tháng liên tiếp.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008
Đây là cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ Đại suy thoái, và nó bắt nguồn từ các khoản cho vay rủi ro đối với những người đi vay yếu kém. Những khoản cho vay này bắt đầu sụp đổ sau khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, dẫn đến khủng hoảng lan rộng. Nhiều doanh nghiệp khi đó nắm giữ vị thế lớn trên thị trường trái phiếu thế chấp có đòn bẩy cao, loại tài sản đã sinh sôi nảy nở trong những năm trước đó.
Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến sự sụp đổ của một số “gã khổng lồ” trên Phố Wall, bao gồm Bear Stearns và Lehman Brothers, cả hai đều có vị thế lớn trên thị trường chứng khoán thế chấp. Sự thất bại này cũng nhấn chìm tập đoàn bảo hiểm khổng lồ American International Group. Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa Washington Mutual, và đây là vụ sụp đổ lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử nhà băng nước Mỹ. Khủng hoảng năm 2008 đã dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong 70 năm.
Khủng hoảng nợ châu Âu
Do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nợ bắt đầu gia tăng tại một số nền kinh tế lớn của châu Âu, từ đó dẫn đến việc mất niềm tin vào các doanh nghiệp trong khu vực.
Hy Lạp là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì các lĩnh vực chính, gồm vận tải và du lịch, của nước này rất nhạy cảm với yếu tố kinh tế. Đây là nền kinh tế đầu tiên được cứu trợ bởi các quốc gia khác thuộc khu vực đồng euro. Bồ Đào Nha, Ireland và Síp cũng được giải cứu khỏi tình trạng vỡ nợ, song tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia giáp Địa Trung Hải.
Kim Dung (Theo Reuters)
FILI
|