Thứ Bảy, 25/03/2023 08:19

Lạm phát và khủng hoảng ngân hàng đe dọa tăng trưởng toàn cầu

Phần lớn nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi ở mức khiêm tốn sau khi tăng trưởng chậm đáng kể vào cuối năm ngoái, nhưng lạm phát cao và căng thẳng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đang đe dọa xung lực phục hồi đó.

Lạm phát dai dẳng và khủng hoảng niềm tin ở hệ thống ngân hàng đang phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Ảnh: Sky News

Các cuộc khảo sát kinh doanh được S&P Global công bố hôm 24-3 ghi nhận trong tháng 3, hoạt động kinh tế cải thiện trên khắp châu Âu chủ yếu nhờ các nhà cung cấp dịch vụ thúc đẩy. Nhật Bản cũng chứng kiến đà phục hồi tương tự nhờ sự xuất hiện trở lại của khách du lịch Trung Quốc sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ hạn chế biên giới để kiểm soát Covid-19.

Tuy nhiên, xung lực phục hồi có thể nhanh chóng suy yếu nếu các ngân hàng cắt giảm mạnh hoạt động cho vay trong bối cảnh họ đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý sau các vụ sụp đổ ngân hàng mới đây. Mặt khác, khi giá cả tiêu dùng tăng nhanh liên tục, các ngân hàng trung ương có thể buộc phải tăng thêm lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.

Lãi suất tăng nhanh ở Mỹ và châu Âu trong năm qua đã làm rung chuyển nền kinh tế của các khu vực. Ngành ngân hàng Mỹ trở thành nạn nhân đầu tiên của chiến dịch thắt chắt tiền tệ. Cú sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank đã làm chao đảo thị trường, khiến những người gửi tiền tháo chạy, làm dấy lên lo ngại rủi ro lây lan. Các cơ quan quản lý ở Mỹ đã hành động giải cứu những người gửi tiền vượt quá hạn mức được bảo hiểm để ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin. Ở châu Âu, các cơ quan quản lý của Thụy Sĩ đã dàn xếp thương vụ UBS, ngân hàng lớn nhất nước, thâu tóm đối thủ lâu năm Credit Suisse, vốn đã suy yếu sau nhiều năm vướng vào các vụ bê bối và thua lỗ nặng trong giao dịch đầu tư.

Các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tuyên bố những căng thẳng đó đã được ngăn chặn, nhưng có thể mất vài tháng trước khi niềm tin đối với hệ thống ngân hàng khôi phục hoàn toàn.

“Có khả năng cao cuộc khủng hoảng niềm tin hiện nay trong lĩnh vực ngân hàng sẽ được ngăn chặn. Nhưng không nghĩa là khủng hoảng chắc chắn sẽ được giải quyết.  Đây không phải là lúc để tự mãn. Các cơ quan quản lý sẽ có nhiều tuần và có thể là nhiều tháng để tiếp tục giám sát bất kỳ dấu hiệu căng thẳng nào”, Jens Magnusson, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng SEB (Thụy Điển), nhận định.

Hiện tại, nền kinh tế châu Âu tiếp tục cho thấy những dấu hiệu mạnh mẽ bất ngờ. Các cuộc khảo sát kinh doanh do S&P Global thực hiện cho thấy nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) tăng trưởng trong ba tháng đầu năm và tránh được suy thoái, điều mà nhiều chuyên gia đã dự đoán khi giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra cách đây hơn một năm.

Ngoài dấu hiệu phục hồi của châu Âu, quyết định từ bỏ chính sách “zero Covid” của Trung Quốc cũng mở ra triển vọng tốt hơn mong đợi cho nền kinh tế toàn cầu trong năm nay. Dữ liệu gần đây cho thấy các hoạt động kinh tế cải thiện ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các cuộc khảo sát kinh doanh cũng chỉ ra những diễn biến tích cực ở những nơi khác.

Trong tháng 3, nhờ dòng khách du lịch Trung Quốc, lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10-2013.

Song sức bật mạnh hơn của ngành dịch vụ khiến lạm phát cao dai dẳng, gây khó khăn cho các ngân hàng trung ương sau khi họ chật vật “làm nguội” nền kinh tế trong suốt năm qua. Dù các cuộc khảo sát cho thấy rằng tốc độ tăng giá của các doanh nghiệp đã chậm lại, nhưng vẫn rất cao so với tiêu chuẩn lịch sử.

Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng của S&P Global, nói: “Áp lực lạm phát dai dẳng, chủ yếu là do tăng trưởng ở khu vực dịch vụ và chi phí tiền lương tăng cao, là mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách. Điều này cho thấy họ có thể cần nhiều hành động nhiều hơn để đưa lạm phát về mức mục tiêu”.

Khi những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng trở nên rõ ràng, giới đầu tư đã cắt giảm kỳ vọng của họ về khả năng tăng lãi suất trong tương lai của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Nhưng trong 10 ngày qua, các ngân hàng trung ương này đã công bố một loạt đợt tăng lãi suất, với một số ngân hàng báo hiệu sẽ còn tăng tiếp do lạm phát cao kéo dài. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào hôm 22-3 và cảnh báo có thể tăng lãi suất thêm nếu cần thiết.

Lê Linh (Theo WSJ)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Mảng điện thoại sụt giảm mạnh, lợi nhuận Xiaomi vẫn vượt kỳ vọng (25/03/2023)

>   Làn sóng sa thải toàn cầu lan rộng sang nhiều lĩnh vực (25/03/2023)

>   Janet Yellen: Bộ Tài chính Mỹ sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp với nhóm ngân hàng địa phương (24/03/2023)

>   Tencent đổ tiền vào AI sau năm 2022 doanh thu giảm lần đầu tiên (24/03/2023)

>   GoTo tiếp tục lỗ lớn trong năm 2022 (24/03/2023)

>   Ván cược của Fed khi tiếp tục nâng lãi suất (23/03/2023)

>   NHTW Thụy Sỹ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản bất chấp rắc rối ở Credit Suisse (23/03/2023)

>   Các đợt sa thải dần được bình thường hóa (23/03/2023)

>   Những điểm đáng chú ý trong cuộc họp báo của Chủ tịch Fed (23/03/2023)

>   Fed dự báo chỉ có thêm 1 đợt nâng lãi suất trong năm 2023 (23/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật