Các đợt sa thải dần được bình thường hóa
Việc sa thải liên tục từng là điều cấm kỵ đối với các công ty. Tuy nhiên, điều này đã dần được các nhân sự trong ngành công nghệ chấp nhận và thích ứng trong bối cảnh hiện tại.
Tình thế trong thị trường lao động đã đảo chiều. Ảnh: Bloomberg.
|
Theo Insider, khoảng cách giữa hai đợt cắt giảm nhân sự số lượng lớn của Meta và Amazon chỉ vỏn vẹn vài tháng. Điều này cho thấy các công ty đang có nhiều tiếng nói hơn trong việc quyết định tương lai của nhân sự.
Trước đó, các chuyên gia quản lý cho biết người lao động đã được trao quyền tự quyết nhiều hơn. Điều này được thể hiện trong việc nhân viên tự tin đưa ra yêu cầu về lương thưởng, bày tỏ mong muốn làm việc tại nhà, thậm chí là bỏ việc trong yên lặng nếu cảm thấy bất mãn.
Tuy nhiên, giai đoạn thiếu lao động đã qua, các công ty đã không cần phải cố gắng thu hút và tìm cách xoa dịu tâm lý nhân viên của mình.
Sa thải trở thành vấn đề quen thuộc
Theo bà Angie Kamath, Trưởng khoa tại ĐH New York, việc các doanh nghiệp sa thải liên tục trước đây là một điều tối kỵ. Tuy nhiên, hiện điều này đã không còn quá quan trọng do bối cảnh kinh tế, xã hội đã thay đổi.
“Thị trường lao động đã không tuân theo các khuôn mẫu truyền thống trong quá khứ. Thậm chí, chúng tôi đã nghĩ đến những đợt sa thải lần thứ 3 mà không hề bất ngờ”, bà Angie Kamath chia sẻ.
Meta đã sa thải 10.000 nhân viên vào tuần trước. Ảnh: Bloomberg.
|
Bà Dina Denham Smith, chủ sở hữu Cognitas, cho biết các doanh nghiệp ngày càng khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn làm việc. Đối với trường hợp của Twitter, Elon Musk đã yêu cầu nhân viên làm việc tại văn phòng hoặc buộc bị sa thải. Quy định này cũng được áp dụng tại nhiều công ty khác.
Vào ngày 20/3, Amazon đã công bố sa thải 9.000 nhân viên, tương đương khoảng 3% lực lượng lao động của công ty. Trước đó, doanh nghiệp này đã cắt giảm 18.000 lao động trong tháng 1.
Với Meta, công ty của Mark Zuckerberg đã sa thải khoảng 10.000 nhân viên vào tuần trước. Vào tháng 11 năm ngoái, công ty cũng đã đuổi việc 11.000 người.
Theo dữ liệu từ Crunchbase, rất hiếm khi các công ty thực hiện liên tiếp các đợt sa thải. Năm ngoái, khảo sát cho thấy chỉ 9% trong số 433 công ty công nghệ có một đợt sa thải trở lên.
Tuy nhiên, bà Kamath cho rằng điều này sẽ trở nên phổ biến hơn. Trong quá khứ, nhân viên sẵn sàng gắn bó với công việc lâu hơn, thậm chí, họ có thể ở lại với công ty dù bản thân không hề hài lòng.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, người lao động đã được “tiếp lửa” để bước ra khỏi vùng an toàn trong cuộc sống và công việc. Nhân viên giờ đây có thể tuyên bố nghỉ việc để tìm kiếm một việc làm có mức thu nhập tốt hơn, thời gian không bị gò bó và cơ hội thăng tiến rộng cửa.
Tâm lý bất an bao trùm
Dẫu vậy, các chuyên gia vẫn không khuyến khích doanh nghiệp liên tục sa thải nhân sự trong thời gian ngắn.
Theo ông Andrew Moyer, Tổng giám đốc của Reputation Partners, nếu buộc phải sa thải nhân viên, doanh nghiệp nên thực hiện ngay lập tức và tránh việc chia thành các đợt nhỏ lẻ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần của nhân viên và không khí của công ty.
Bên cạnh đó, ông Andrew Moyer còn cho rằng việc sa thải liên tục còn tác động đến niềm tin của khách hàng và các đối tác của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, những cổ đông sẽ luôn đặt ra nghi vấn về chất lượng của đội ngũ quản lý.
Các nhân viên đã dần thích ứng với bối cảnh thị trường lao động hiện tại. Tuy nhiên, làn sóng sa thải vẫn không phải sự phát triển tích cực cho cả doanh nghiệp và người lao động.
“Các công ty cần đảm bảo rằng họ sẽ không biến việc sa thải trở thành một cuộc đua. Khả năng chịu đựng của người lao động cao hơn không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể liên tục đưa ra các sự thay đổi trong nhân sự”, bà Kamath bình luận.
Thanh Vũ
ZING
|