OECD: Các NHTW nên tiếp tục nâng lãi suất bất chấp nỗi đau của ngành ngân hàng
Các ngân hàng trung ương phương Tây nên tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát, khi dữ liệu mới nhất cho thấy tiền lương ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng nhanh kỷ lục trong năm 2022.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nâng dự báo tăng trưởng lần đầu tiên kể từ cuộc chiến Nga-Ukraine. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh lạm phát vẫn còn quá cao, trong đó giá dịch vụ vẫn chưa giảm.
Sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), niềm tin về hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu đã bị tổn hại phần nào, qua đó sẽ làm phức tạp nỗ lực chống lạm phát của các NHTW vì lãi suất tăng sẽ càng gây thêm căng thẳng cho một số ngân hàng. Những ngày gần đây, thị trường kỳ vọng khủng hoảng ngân hàng có thể buộc NHTW phải tạm ngưng nâng lãi suất.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại OECD, Álvaro Pereira cảnh báo về việc tạm ngưng nâng lãi suất, cho rằng các NHTW nên tập trung kéo giảm lạm phát bất chấp lo ngại về hệ thống tài chính toàn cầu.
“Với những gì đã diễn ra, chúng tôi vẫn nghĩ rằng ưu tiên phải là chống lạm phát”, ông nói. “Đây không phải năm 2008 và chúng tôi không thấy rủi ro hệ thống ở giai đoạn này”.
OECD – vốn cung cấp lời khuyên chính sách tới các Chính phủ thành viên, bao gồm cả Mỹ – cho biết Fed nên nâng lãi suất lên phạm vi 5.25%-5.5%, từ mức 4.5%-4.75% hiện nay.
Trước đó, NHTW châu Âu đã gây bất ngờ khi tiếp tục nâng lãi suất 50 điểm cơ bản lên 3%. Tuy vậy, họ không đưa ra kế hoạch cho cuộc họp kế tiếp. “Đây là quyết định đúng đắn”, ông Pereira nói về động thái của ECB.
Mối lo ngại của ECB về lạm phát có thể được củng cố thêm bởi những số liệu sắp công bố vào ngày 24/03. Trước đó, dữ liệu cho thấy trong quý 4/2022, tiền lương tăng 5.1% so với cùng kỳ và tăng 3% so với quý 3/2022. Các quan chức NHTW sợ rằng các doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán để bù cho phần tăng về chi phí tiền lương.
Fed và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tổ chức họp vào tuần này, trong đó các quan chức sẽ phải cân nhắc giữa rủi ro về hệ thống tài chính và mối đe dọa của lạm phát cao.
OECD cho biết ECB nên nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, còn BoE nên nâng lãi suất lên 4.25%. Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng lãi suất cao nên được duy trì tới năm 2024.
Với NHTW Brazil, OECD nhận thấy họ có dư địa giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2023. Brazil là một trong những quốc gia đầu tiên ra động thái phản ứng với đà tăng của lạm phát vào đầu năm 2021.
Khi đối mặt với giá năng lượng, thực phẩm và lãi suất cao, nền kinh tế toàn cầu tỏ ra kiên cường hơn so với dự báo của OECD và nhiều chuyên gia khác. Cơ quan nghiên cứu này kỳ vọng sản lượng toàn cầu sẽ tăng 2.6% trong năm 2023, cao hơn dự báo trước đó là 2.2%.
Phần lớn đà tăng này đến từ Mỹ. Ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, hoạt động kinh tế trong quý 4/2022 và những tháng đầu năm 2023 tốt hơn dự báo. OECD dự báo GDP Mỹ tăng 1.5% trong năm 2023, cao hơn dự báo trước đó là 0.5%.
Ngoài ra, họ cũng nâng dự báo tăng trưởng với Trung Quốc khi nước này đã gỡ bỏ chính sách Zero COVID.
“Chúng tôi tin rằng việc tái mở cửa kinh tế sẽ hỗ trợ đà hồi phục, các yếu tố tích cực sẽ lấn át các yếu tố tiêu cực”, ông Pereira nhận định. “Sẽ có sự cải thiên về thương mại, tăng trưởng và việc làm”.
Tuy nhiên, OECD cảnh báo khả năng tăng trưởng thấp hơn dự báo sẽ cao hơn vì vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, giá thực phẩm cao và tác động của lãi suất cao.
“Lãi suất cao có thể gây ra tác động mạnh hơn dự báo tới tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh bất ổn tài chính hiện nay”, OECD cho biết.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|