Thứ Ba, 21/03/2023 17:23

Thế khó của Fed: Nên dừng hay tiếp tục nâng lãi suất khi ngân hàng khủng hoảng?

Tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell và đồng nghiệp sẽ đối mặt với một trong những quyết định khó khăn nhất trong nhiều năm qua: Nâng lãi suất để chống lạm phát hay ngừng nâng trong bối cảnh có nhiều cú sốc trong ngành ngân hàng.

Quyết định lãi suất tại cuộc họp tháng 3/2023 nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào cách thị trường nhìn nhận về “cuộc hôn nhân cưỡng ép” giữa UBS và Credit Suisse, cũng như các động thái xoa dịu căng thẳng từ các Chính phủ. Cuộc họp chính sách của Fed dự kiến kết thúc vào ngày 22/03, tức sáng ngày 23/03 theo giờ Việt Nam.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Trong năm qua, Fed cố gắng truyền tải trước về các động thái chính sách để tránh gây bất ngờ và giảm biến động trên thị trường. Trước đây, họ chưa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đột ngột trước thềm cuộc họp chính sách. Nhưng giờ mọi thứ đã khác với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, Signature Bank và cả Credit Suisse.

Với các vị quan chức nghĩ rằng hoạt động cho vay và các điều kiện tài chính khác có nguy cơ bị thắt chặt đột ngột vì cú sốc ngân hàng, họ có thể ủng hộ ngừng nâng lãi suất. Còn với những người chỉ xem đây là tác động tạm thời và có thể ngăn chặn được, họ có thể ủng hộ tiếp tục nâng lãi suất để kéo giảm lạm phát.

“Đây sẽ là quyết định khó khăn và việc truyền tải chính sách cũng khó không kém”, William English, từng là Chuyên gia kinh tế cấp cao ở Fed, cho hay.

Để chống lạm phát, Fed nâng lãi suất để siết chặt các điều kiện tài chính, từ đó hạ nhiệt nền kinh tế và cuối cùng là kìm hãm nhu cầu.

Lãi suất cao sẽ thể hiện cho quyết tâm chống lạm phát của Fed trong một nền kinh tế đang hoạt động tốt hơn dự báo của nhiều chuyên gia. Tuy nhiên, nâng lãi suất quá nhiều có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái và có thể dẫn tới những đợt can thiệp nếu các quan chức tính toán sai.

Kể từ đầu tháng 2/2023, Fed đã giảm tốc độ nâng lãi suất, chỉ nâng 25 điểm cơ bản lên 4.5%-4.75%. Trước đó, họ nâng 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022 và 75 điểm cơ bản trong tháng 11/2022.

Cách đây 2 tuần, ông Powell cho biết mức độ nâng lãi suất sẽ phụ thuộc vào các báo cáo việc làm và lạm phát. Và rồi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ vào ngày 10/03 sau khi khách hàng rút gần 25% tiền gửi của SVB trong 1 ngày.

Để tránh hoảng loạn lan rộng, giới chức Mỹ cam kết đảm bảo cho toàn bộ tiền gửi vào SVB và cả Signature Bank (sụp đổ sau SVB vài ngày). Fed cũng đưa ra chương trình cho vay khẩn cấp mới để cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng.

Điều khó lường là liệu những động thái của giới chức Mỹ có đủ để ngăn chặn khủng hoảng lây lan sang các ngân hàng khác. Mới đây, ngân hàng First Republic đang có dấu hiệu khủng hoảng, với giá cổ phiếu lao dốc 90% trong tháng 3/2023.

Những cú sốc ngân hàng có thể khiến hoạt động cho vay sẽ được thắt chặt, ngay cả trong trường hợp cuộc khủng hoảng không trở nên tồi tệ hơn. Nguyên nhân là bởi các bên cho vay sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn bởi các cơ quan chức năng và chính nhóm lãnh đạo của họ để giảm thiểu rủi ro.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay cũng gây tác động tương đương với việc Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản hoặc 50 điểm cơ bản.

Nâng hay không nâng?

Trong năm qua, giới chức Fed đã có lúc thừa nhận nguy cơ buộc phải cùng lúc chống chọi với 2 vấn đề, đó là lạm phát và bất ổn tài chính. Một số quan chức cho biết họ sẽ ủng hộ việc sử dụng các công cụ cho vay khẩn cấp để ổn định lĩnh vực tài chính, trong khi vẫn tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.

"Việc sử dụng chính sách tiền tệ để giảm thiểu rủi ro gây bất ổn tài chính có thể sẽ dẫn tới nhiều kết quả bất lợi cho nền kinh tế. Chính sách tiền tệ không nên là thứ dùng để kiểm soát quá nhiều mục tiêu”, Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết trong bài phát biểu tháng 11/2022.

Dữ liệu gần đây cho thấy áp lực tiền lương và giá cả ở Mỹ vẫn cao. Sự hạ nhiệt của lạm phát vào năm ngoái đã không còn tiếp diễn trong tháng 1-2/2023. Một số cựu quan chức Fed nhận thấy khả năng NHTW sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, nếu cuộc khủng hoảng tín dụng hiện tại không trở nên trầm trọng hơn.

“Tôi sẽ khuyên họ tiếp tục nâng 25 điểm cơ bản. Nếu ngừng nâng, bạn có thể khiến nhà đầu tư tự hỏi ‘Fed đang biết thông tin gì mà chúng ta không biết’”, Richard Clarida, từng là Phó Chủ tịch Fed trong năm 2018-2022, cho hay.

Trong khi đó, một số khác lại lo ngại việc ngừng tăng lãi suất sẽ khiến chính sách tiền tệ tập trung quá mức vào việc tránh gây căng thẳng thị trường, đồng thời ảnh hưởng đến uy tín chống lạm phát của Fed.

“Ông Powell đã rất nỗ lực để lấy lại uy tín trong việc chống lạm phát”, Ellen Meade, Chuyên gia kinh tế tại Đại học Duke và từng là cố vấn cấp cao tại Fed, cho hay. “Với tôi, không tiếp tục nâng lãi suất sẽ là bước đi sai lầm, nhất là với những dữ liệu kinh tế gần đây”.

Nếu những bất ổn của ngành ngân hàng sớm kết thúc, quyết định tạm dừng tăng lãi suất có thể sẽ khiến vấn đề lạm phát trở nên căng thẳng hơn. Angel Ubide, Trưởng bộ phận nghiên cứu trái phiếu toàn cầu tại quỹ Citadel, cho biết: "Vấn đề với việc Fed không tăng lãi suất đó là thị trường sẽ lại dự đoán về việc Fed hạ lãi suất ở cuộc họp sau".

Một số nhà cựu hoạch định chính sách lại thấy có lý do thuyết phục để Fed không tăng lãi suất trong tuần này.

Eric Rosengren, cựu Chủ tịch Fed khu vực Boston, cho biết: "Tôi sẽ không đổ thêm dầu và lửa bằng cách tăng lãi suất, trong khi các cú sốc đang xảy ra. Mức tăng 25 điểm cơ bản ít tác động đến lạm phát nhưng lại ảnh hưởng lớn đến các điều kiện tài chính."

Đầu năm nay, các quan chức NHTW đã bàn về chuyện giảm tốc độ tăng lãi suất để có thêm thời gian đánh giá tác động của lộ trình trong năm ngoái. Chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan cho biết: "Nếu đang đi bộ và gặp phải thời tiết xấu hoặc đoạn đường nguy hiểm, bạn nên giảm tốc".

Trong khi đó, một số cựu quan chức Fed phản bác ý kiến cho rằng việc dừng tăng lãi suất sẽ làm bùng lên mối lo ngại về lĩnh vực ngân hàng hoặc ảnh hưởng đến quyết tâm chống lạm phát của NHTW.

Ông Rosengren chỉ ra: "Mọi người thường nói về uy tín của Fed trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng cách tốt nhất để NHTW giữ uy tín sẽ là đưa ra những bước đi hợp lý với nền kinh tế”.

Ngay cả khi toàn bộ rủi ro xảy ra "bank run" bị loại bỏ, nhiều ngân hàng có thể đối mặt với áp lực khi phải tăng lãi suất huy động. Jeremy Stein, cựu Thống đốc Fed, cho biết điều này có thể sẽ hạn chế hoạt động cấp tín dụng, một trong những mục tiêu của Fed khi tăng lãi suất. Do đó, việc giữ nguyên lãi suất không hẳn sẽ gây bất lợi cho mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   OECD: Các NHTW nên tiếp tục nâng lãi suất bất chấp nỗi đau của ngành ngân hàng (21/03/2023)

>   China Evergrande công bố chi tiết kế hoạch tái cơ cấu nợ vào 22-3 (21/03/2023)

>   Người mua nhà châu Âu khốn đốn vì lãi suất thả nổi (20/03/2023)

>   Điều gì sẽ xảy ra nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắt? (20/03/2023)

>   Giá nhà toàn cầu tiếp tục sụt giảm (18/03/2023)

>   OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 (18/03/2023)

>   NHTW Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (17/03/2023)

>   Tỷ phú sáng lập PayPal có 50 triệu USD tại Silicon Valley Bank (17/03/2023)

>   Giới đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng ra sao từ vụ SVB? (18/03/2023)

>   Nỗ lực giải cứu ngành bất động sản của Trung Quốc có hiệu quả (17/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật