Nỗi sợ hãi của giới lãnh đạo công nghệ châu Á từ vụ SVB sụp đổ
Sự hoảng loạn trước sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) bắt đầu lan ra ngoài nước Mỹ. Ở châu Á, nỗi sợ hãi cũng rõ ràng không kém.
Mặc dù cách nơi xảy ra sự sụp đổ của SVB tới nửa vòng trái đất, các nhà lãnh đạo công nghệ của châu Á đang phải chạy đua để đánh giá hậu quả tiềm ẩn từ vụ việc trên, bởi công nghệ vốn là một ngành luôn phụ thuộc nhiều vào vốn cũng như mối quan hệ của Mỹ để đạt được tốc độ tăng trưởng siêu tốc.
Giới chuyên gia tài chính và doanh nhân đã đứng chật kín các phòng lớn trong Diễn đàn Toàn cầu Wharton vừa qua tại Singapore. Họ tụ tập thành nhóm và trao đổi những tin tức nóng hổi về vụ sụp đổ bất ngờ của SVB vào ngày 10/03.
Tại một hội nghị khác ở Mumbai, nhà sáng lập và nhà đầu tư của các startup cũng không thảo luận về điều gì khác ngoài SVB và đâu là những công ty đầu tiên có thể sụp đổ theo.
Tại Thượng Hải, đối tác và liên doanh của SVB cứ vài giờ lại ban hành một bản ghi nhớ nhằm xoa dịu những lo ngại về sự ổn định của họ.
Vài ngày qua, những người nổi tiếng trong giới công nghệ và văn phòng gia đình tại châu Á, với tâm lý lẫn lộn giữa sợ hãi và hứng thú, đã theo sát diễn biến cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm một ngân hàng có tuổi đời 40 năm từng nắm giữ khối tài sản trị giá 200 tỷ USD. Theo các nguồn thạo tin, vụ sụp đổ này đã gây ra làn sóng chấn động khắp châu Á. Các nhà đầu tư lớn và quỹ đầu tư quốc gia phải nhanh chóng kiểm tra mức độ tiếp xúc của danh mục đầu tư cũng như của những doanh nghiệp được họ rót vốn đối với SVB.
Tại công ty đầu tư hậu thuẫn cho ByteDance Ltd., các giám đốc điều hành đã dán chặt mắt vào màn hình để theo dõi giá cổ phiếu của SVB cũng như các tin tức nóng hổi khác vào tối ngày 09/03 ở Bắc Kinh, trước khi quyết định rút tiền ra khỏi ngân hàng này ngay trong đêm.
Nhận được cảnh báo từ những người hậu thuẫn, giám đốc điều hành của công ty cung cấp dịch vụ lưu trú Xiaozhu cũng lập tức rút tiền gửi của công ty tại SVB qua điện thoại và đã thành công, một nguồn tin giấu tên cho hay.
Tuy nhiên, những công ty khác lại không may mắn như vậy. Một nhà sáng lập người Ấn Độ nói với Bloomberg News rằng ông đã không rút được tiền của công ty và giờ họ chỉ còn lại vốn lưu động. Một công ty khác cũng nhanh chóng chuyển hướng các khoản thanh toán của khách hàng khỏi tài khoản tại SVB của công ty, đồng thời thiết lập các thỏa thuận mới cho việc thanh toán tiền lương. Ba nhà sáng lập và một nhà đầu tư startup cho biết họ đã không ngủ suốt 48 giờ.
Các quỹ lớn nhất châu Á, bao gồm Sequoia Capital China, Temasek Holdings Pte, ZhenFund và Yunfeng Capital, đã liên hệ với các công ty trong danh mục đầu tư của họ để đánh giá mức độ tiếp xúc với SVB, theo các nguồn tin giấu tên.
Đại diện của Sequoia Capital China cho biết công ty không thể bình luận ngay lập tức, trong khi ZhenFund không đưa ra bình luận ngoài giờ làm việc. Temasek cho biết họ không tiếp xúc trực tiếp với SVB.
Yunfeng cho hay họ đã thông báo cho các bộ phận thực hiện nhanh một cuộc điều tra nội bộ về khả năng tiếp xúc với SVB, đồng thời cảnh báo các công ty trong danh mục đầu tư có hành động tương tự để tránh rủi ro. Còn bản thân Yunfeng không có tiền gửi tại SVB.
“Không nên đánh giá thấp tác động từ sự việc của SVB đối với ngành công nghệ”, các nhà phân tích tại China International Capital Corp. cho biết. Theo họ, tiền gửi rất quan trọng đối với các startup công nghệ vì họ thường cần rất nhiều tiền mặt để chi trả cho các khoản chi lớn, bao gồm chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như lương nhân viên.
Các nhà phân tích đánh giá: “Nếu những khoản tiền gửi này bị hao mòn trong quá trình phá sản hoặc tái cơ cấu, một số công ty công nghệ có thể phải đối mặt với áp lực lớn về dòng tiền, trong đó không loại trừ rủi ro phá sản”.
Finian Tan, người sáng lập Vickers Venture Partners, cho biết công ty của ông vẫn tương đối bình yên. Theo ông Tan, chỉ có một công ty trong danh mục đầu tư ở Mỹ của họ có tiền gửi tại SVB, với tổng trị giá 2.5 triệu USD. “Hơn một nửa số công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi là ở Mỹ, song chúng tôi thật may mắn khi ngân hàng mà họ tiếp cận rất đa dạng”, ông Tan nói.
Những rắc rối của SVB đang gây lo ngại đặc biệt là ở Trung Quốc vì liên doanh của ngân hàng này đã tích cực cho vay đối với các công ty mới thành lập và các quỹ không thể vay từ các ngân hàng truyền thống, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
SVB đã thành lập chi nhánh địa phương, SPD Silicon Valley Bank Co., vào năm 2012 và cung cấp một số sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tại Trung Quốc, bao gồm cấp vốn lưu động và tài trợ thương mại, theo trang web của SVB. Mặc dù liên doanh đã tìm cách trấn an khách hàng và các công ty trong danh mục đầu tư của mình, nhưng mức độ thiệt hại hiện vẫn chưa rõ ràng.
Mặc dù tác động trực tiếp đến châu Á vẫn tương đối nhỏ do SVB tập trung vào Thung lũng Silicon, song sự sụp đổ này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng.
“Đây là một ngân hàng chuyên biệt. Vì vậy, về cơ bản, nó không ảnh hưởng đến châu Á. Nhưng sự thiếu tin tưởng rất dễ lây lan”, ông Tan của Vickers nhận định.
SVB trở thành vụ sụp đổ lớn nhất của lĩnh vực ngân hàng Mỹ trong hơn một thập kỷ qua. SVB đổ vỡ sau một tuần nỗ lực huy động vốn không thành công và các startup công nghệ ồ ạt rút tiền. Cơ quan quản lý đã vào cuộc và tịch thu tài sản của ngân hàng này vào 10/03, dẫn tới sự sụp đổ bất ngờ của một ngân hàng đã tăng gấp 4 lần về quy mô trong vòng 5 năm qua và được định giá hơn 40 tỷ USD vào năm ngoái.
Richard Ji, Giám đốc đầu tư của All-Stars Investment - công ty có số tiền gửi chưa tới 1% tại SVB, cho rằng đây là thời điểm để giới nhà băng đánh giá lại các hoạt động không bền vững khác, bao gồm xây dựng tăng trưởng chỉ dựa trên đòn bẩy cao, tỷ suất lợi nhuận thấp…
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|