Bloomberg: Mỹ cân nhắc lập quỹ giải cứu nếu có thêm ngân hàng sụp đổ
Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc lập một quỹ hỗ trợ tiền gửi cho các ngân hàng gặp rắc rối sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank.
Các cơ quan điều hành bàn với các giám đốc ngân hàng về chuyện lập một đơn vị đặc biệt mới, với hy vọng là việc lập đơn vị này sẽ giúp trấn an người gửi tiền và ngăn chặn sự hoảng loạn, dựa trên nguồn tin thân cận.
Đại diện của Fed từ chối bình luận. Các đại diện tại FDIC chưa lập tức phản hồi về thông tin trên.
Đơn vị đặc biệt này là một phần trong kế hoạch dự phòng của FDIC khi xuất hiện lo ngại về sức khỏe của các ngân hàng nhỏ tập trung vào cộng đồng đầu tư mạo hiểm và startup.
Ở một diễn biến khác, FIDC hôm 11/03 chất vấn các cán bộ từ nhiều ngân hàng vừa và nhỏ, bao gồm cả First Republic, về tình hình tài chính, dựa trên nguồn tin thân cận.
Lo ngại lan rộng
Cổ phiếu First Republic lao dốc 15% trong ngày 10/03 và sụt 34% trong tuần qua. Trong một tuyên bố, ngân hàng này nói với nhà đầu tư rằng thanh khoản vẫn dồi dào và cơ sở tiền gửi rất đa dạng.
Đại diện từ First Republic và FDIC chưa lập tức bình luận về thông tin trên.
Nhiều ngân hàng địa phương khác cũng chứng kiến cổ phiếu lao dốc sau sự sụp đổ của SVB và sau đó họ cũng phải lên trấn an nhà đầu tư về tình hình tài chính.
Cùng ngày, khi cổ phiếu PacWest Bancorp sụt 38%, CEO Paul Taylor cho biết họ là ngân hàng thương mại hoạt động tốt và "có tính đa dạng hóa cao".
Rắc rối của SVB bắt đầu vào cuối ngày 08/03, khi ngân hàng này gây sốc cho giới đầu tư với thông tin rằng họ cần huy động 2.25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. 48 giờ sau đó, SVB - một ngân hàng vốn rất được kính trọng, đã phát triển cùng với các doanh nghiệp công nghệ - đã sụp đổ.
Giới chức California đã đóng cửa SVB và giao lại cho FDIC quản lý. FDIC sẽ thanh lý tài sản ngân hàng để trả cho những người gửi tiền và chủ nợ của SVB.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|