Cựu quan chức Mỹ cảnh báo hậu quả nghiêm trọng từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank
Ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho rằng lĩnh vực đổi mới của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng nếu các cơ quan quản lý không giải quyết suôn sẻ đợt sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB).
“Chắc chắn vụ sụp đổ này sẽ gây ra những hậu quả rất lớn với Thung lũng Silicon cũng như những lĩnh vực mạo hiểm nếu Chính phủ Mỹ không giải quyết tốt vụ việc”, ông Summers đánh giá.
* Rắc rối ở Silicon Valley Bank khiến giới đầu tư “đứng ngồi không yên”
* CEO Silicon Valley Bank bán 3.6 triệu USD cổ phiếu trước khi ngân hàng sụp đổ
* Silicon Valley Bank sụp đổ
Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ
|
Trước đó, các cơ quan quản lý đã vào cuộc và tiếp quản SVB sau khi ngân hàng này thất bại trong nỗ lực huy động vốn, trong khi khách hàng ồ ạt tới rút vốn. Nguồn cơn của sự việc là SVB dùng hàng chục tỷ USD tiền gửi của các công ty khởi nghiệp để đầu tư vào trái phiếu dài hạn.
Mọi chuyện sẽ chẳng sao nếu mọi thứ diễn ra bình thường và họ giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn. Tuy nhiên, khi khách hàng ồ ạt rút vốn, họ phải nhanh chóng bán các khoản trái phiếu dài hạn này, dù khi đó giá trái phiếu đang giảm mạnh trong bối cảnh Fed nâng lãi suất.
Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) chỉ bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng lên tới 250,000 USD ở SVB. Trong khi đó, 93% số tiền gửi tính đến ngày 31/12/2022 không thuộc diện được bảo hiểm.
“Có hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm công ty khởi nghiệp đang lên kế hoạch dùng khoản tiền gửi của họ ở SVB để trả lương cho người lao động trong tuần tới. Nếu họ không thể rút tiền để thực hiện nghĩa vụ đó, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng với nền kinh tế Mỹ”, ông Summers cho biết.
Vị cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết ông hy vọng các cơ quan quản lý sẽ “quyết liệt ngăn chặn những điều tồi tệ và không để hậu quả lây lan”.
“Tôi nghĩ đây không phải lúc cho những bài rao giảng. Nền kinh tế của chúng ta đã có đủ căng thẳng và thách thức nên không cần thêm những điều tồi tệ từ sự đổ vỡ thế chấp ở một trong những lĩnh vực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế”, ông Summers nói.
Thực tế, sự sụp đổ của SVB đã giáng đòn nặng nề vào lĩnh vực vốn đang quay cuồng với tình trạng sa thải nhân công, giá cổ phiếu giảm và nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp ngày càng thu hẹp. Trải qua 40 năm lịch sử, SVB đã chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã triệu tập cuộc họp của các nhà quản lý hàng đầu trước khi đưa ra tuyên bố Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn “kiên cường” và nói rằng các nhà quản lý “có các công cụ hiệu quả” để giải quyết những vấn đề liên quan đến SVB. Về phần mình, ông Summers cũng “không nghĩ đây là rủi ro mang tính hệ thống”.
Sự sụp đổ của SVB đã gây ra làn sóng bán tháo trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ. Thậm chí, đây còn được mô tả là cú bán tháo tồi tệ nhất kể từ sau cú sốc Covid-19 hồi tháng 3/2020. Và chưa ai biết thị trường sẽ phản ứng ra sao sau khi mở cửa trở lại sau 2 ngày cuối tuần.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|