Nỗi lo chuyển hướng sang Deutsche Bank và các ngân hàng châu Âu
Cổ phiếu Deutsche Bank lao dốc hơn 14% trong ngày 24/03 sau khi hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này tăng vọt và giới đầu tư lo ngại về sức khoẻ của các ngân hàng châu Âu.
Cổ phiếu của Deutsche Bank ở Frankfurt lao dốc phiên thứ 3 liên tiếp và đến nay, đã giảm hơn 20% từ đầu tháng 3/2023. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng - một dạng bảo hiểm nếu công ty vỡ nợ - tăng vọt lên 173 điểm cơ bản trong ngày 23/03, từ mức 142 điểm cơ bản trong ngày trước đó.
Vụ thâu tóm khẩn cấp Credit Suisse của UBS làm dấy lên lo ngại về rủi ro lây lan ra các ngân hàng châu Âu. Rủi ro này sẽ càng đáng ngại hơn trong bối cảnh Fed tiếp tục nâng lãi suất.
Trước đó, giới chức và NHTW trên toàn cầu hy vọng thương vụ UBS thâu tóm Credit Suisse sẽ giúp thị trường yên lòng. Tuy nhiên, thực tế lại khác. Dường như nhà đầu tư cho rằng thỏa thuận UBS-Credit Suisse không đủ để ngăn chặn sự lây lan rủi ro trong ngành ngân hàng.
Trái phiếu bổ sung vốn cấp 1 (AT1) của Deutsche Bank cũng bị bán tháo. Trái phiếu AT1 trở thành chủ đề bàn tán trên toàn cầu trong tuần qua sau khi trái chủ AT1 của Credit Suisse bị mất trắng sau thương vụ thâu tóm của UBS.
Deutsche Bank dẫn đầu đà giảm trong nhóm cổ phiếu ngân hàng châu Âu trong ngày 24/03, với cổ phiếu ngân hàng Đức Commerzbank lao dốc 9%, còn Credit Suisse, Societe Generale và UBS sụt hơn 7%. Barclays và BNP Paribas lao dốc hơn 6%.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào các chỉ số tài chính, tình hình ở Deutsche Bank khá ổn vào cuối năm 2022.
Ngân hàng Đức này ghi nhận 10 quý lãi liên tiếp và đã hoàn tất chương trình tái cấu trúc khởi đầu từ năm 2019, với mục tiêu giảm chi phí và cải thiện khả năng sinh lãi. Ngân hàng này báo lãi ròng 5 tỷ Euro (5.4 tỷ USD) trong năm 2022, tăng 159% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ CET1 của Deutsche Bank - một thước đo về khả năng thanh toán - ở mức 13.4% vào cuối năm 2022, trong khi tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán (LCR) ở mức 142% và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) ở mức 119%.
Deutsche Bank từ chối nhận định về thông tin trên.
Rủi ro lan truyền
Các cơ quan điều hành và Chính phủ đã hành động để ngăn chặn rủi ro lây lan sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và vụ thâu tóm Credit Suisse của UBS. Trong ngày 22/03, Moody’s cho biết họ có thể thành công bằng các động thái cứu trợ nhanh chóng.
"Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế bất ổn và niềm tin nhà đầu tư còn mong manh, có khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hiện nay mà không gây ra những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài trong và ngoài lĩnh vực ngân hàng", bộ phận chiến lược tín dụng tại Moody's cho biết.
"Thậm chí trước khi nhóm ngân hàng trở nên căng thẳng, chúng tôi đã dự báo trước các điều kiện tín dụng toàn cầu sẽ tiếp tục bị thắt chặt trong năm 2023 vì lãi suất cao hơn và tăng trưởng suy yếu. Ở một số nước, suy thoái đã xảy ra".
Moody's cho rằng trong bối cảnh các NHTW tiếp tục nỗ lực chống lạm phát, các điều kiện tài chính bị thắt chặt càng lâu, thì rủi ro "căng thẳng lan rộng vượt khỏi lĩnh vực ngân hàng càng lớn, từ đó gây ra thiệt hại kinh tế, tài chính nghiêm trọng hơn".
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|