Thứ Tư, 22/03/2023 07:54

Cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc trở thành nơi ‘trú bão’

Cổ phiếu ngành ngân hàng Trung Quốc có hiệu suất vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành ở Mỹ và châu Âu trong bối cảnh giới đầu tư rúng động trước các biến cố bao gồm cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ và thương vụ sáp nhập để giải cứu Credit Suisse (CS), ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ.

Trong tháng qua, cổ phiếu của ngân hàng China Citic Bank (Trung Quốc) tăng giá 11%. Ảnh: Reuters

Các ngân hàng Trung Quốc đang được bảo vệ khỏi cơn biến động thị trường tài chính toàn cầu.

Trong tháng qua, 8 trong số 10 ngân hàng trong chỉ số  Bloomberg World Banks Index (BWBI) có giá cổ phiếu tăng mạnh nhất đến từ Trung Quốc. Chỉ số này theo dõi 166 ngân hàng lớn trên toàn cầu. Cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc nổi bật hơn cả, trong đó, China Citic Bank dẫn đầu với giá cổ phiếu tăng 11%, tiếp theo là Bank of China, với mức tăng 6,2%.

Cổ phiếu của các  ngân hàng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tăng giá ngay cả khi giới đầu tư trên toàn cầu hoảng loạn trước những vấn đề của CS và cú sụp đổ đột ngột của SVB, làm chao đảo các thị trường tài chính. CS và SVB nằm trong số những ngân hàng có giá cổ phiếu giảm mạnh nhất trong chỉ số BWBI.

Các nhà phân tích cho rằng chất lượng tài sản tương đối ổn định của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc và sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ đã giúp cổ phiếu của các ngân hàng này chống chọi tốt hơn trước cơn hỗn loạn của ngành ngân hàng toàn cầu hiện nay.

“Chúng tôi tin rằng rủi ro kiểu như SVB ở Trung Quốc là thấp so với Mỹ do sự khác biệt trong các quy định quản lý ngân hàng cũng như các điều kiện chính sách tiền tệ”, các nhà phân tích của Citigroup  viết trong báo cáo hôm 17- 3.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc  (PBoC) cho phép các ngân hàng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Nỗ lực tăng thanh khoản này có thể thu hút thêm các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm cách giảm rủi ro ở danh mục đầu tư cổ phiếu tài chính của họ trước cuộc khủng hoảng ngân hàng trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh chóng.

Marvin Chen, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, nhận định: “Các doanh nghiệp nhà nước được nhà nước hậu thuẫn và quá lớn để không thể sụp đổ”. Theo Chen, Trung Quốc có quyền giám sát và quyền sở hữu trực tiếp hơn nhiều đối với hệ thống tài chính. Điều này sẽ hỗ trợ ngành ngân hàng trong trường hợp có bất kỳ rủi ro lây lan nào.

Nhóm nhà phân tích của ngân hàng HSBC nhận định mối tương quan thấp của Trung Quốc với môi trường lãi suất toàn cầu và rủi ro ở danh mục đầu tư trái phiếu chỉ ở mức hạn chế giúp các ngân hàng Trung Quốc trở thành nơi trú ẩn an toàn trước  ‘cơn bão’ tài chính đang bùng lên trên toàn cầu. Họ viết trong báo cáo: “Khi giới nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm sự an toàn, các ngân hàng lớn thuộc sở hữu của nhà nước có thể trở thành lựa chọn đầu tiên nhờ chia cổ tức ổn định 8-9% mỗi năm”.

Trung Quốc đang ở trong một chu kỳ tiền tệ khác với các nền kinh tế phương Tây. Chiến dịch tăng lãi suất nhanh chóng để kiềm chế lạm phát của Fed góp phần gây rủi ro ở danh mục đầu tư trái phiếu của các ngân hàng Mỹ. Nhưng lạm phát yếu ở Trung Quốc đã cho phép các nhà hoạch định chính sách duy trì các điều kiện tiền tệ tương đối lỏng lẻo.

Theo tờ nhật báo tài chính Securities Times của Trung Quốc, chiến dịch chấn chỉnh của giới chức trách đối với ngân hàng bóng tối những năm gần đây, cũng như nỗ lực cải cách khung quản lý tài chính của đất nước đã giúp giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng trong hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc từ lâu giao dịch dưới giá trị sổ sách do mối lo ngại về nợ xấu và nghĩa vụ phục vụ chính sách quốc gia, thay vì ưu tiên lợi nhuận. Các ngân hàng ở Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác của châu Á cũng thường nhận được tiền gửi từ nhóm khách hàng đa dạng hơn, từ hộ gia đình đến doanh nghiệp lớn và nhỏ trong các lĩnh vực khác nhau. Các  khoản cho vay, thay vì đầu tư trái phiếu, chiếm phần lớn tài sản của họ.

Hiệu suất tăng giá cổ phiếu vượt trội của các ngân hàng Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất cho thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc đang tách biệt khỏi thị trường toàn cầu. Mối tương quan giữa chỉ số CSI 300 của Trung Quốc và chỉ số S&P 500 ở Mỹ đã trở nên lệch chiều kể từ tháng 10, khi chứng khoán Trung Quốc bắt đầu phục hồi nhờ giới chức trách tái mở cửa nền kinh tế.

Lê Linh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   S&P 500 tăng hơn 1% và vượt mốc 4,000 điểm (22/03/2023)

>   Chứng khoán châu Âu tăng mạnh, Dow Jones tiến gần 200 điểm sau lời trấn an của quan chức Mỹ (21/03/2023)

>   Trước khi sụp đổ, Fed đã cảnh báo về hệ thống quản trị rủi ro của SVB từ năm 2019 (21/03/2023)

>   Dow Jones tăng gần 400 điểm khi lo ngại về khủng hoảng ngân hàng dịu bớt (21/03/2023)

>   Chứng khoán Mỹ và châu Âu ngập sắc xanh, Dow Jones tăng hơn 350 điểm (20/03/2023)

>   Cổ phiếu UBS giảm 10%, Credit Suisse bốc hơi 60% sau thương vụ thâu tóm (20/03/2023)

>   UBS đề nghị mua Credit Suisse với giá 1 tỷ USD, thấp hơn 86% so với vốn hóa (19/03/2023)

>   Bloomberg: UBS yêu cầu Chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ nếu mua lại Credit Suisse (19/03/2023)

>   Cổ phiếu First Republic giảm tiếp 33% dù được bơm vốn (18/03/2023)

>   Dow Jones mất gần 400 điểm khi cổ phiếu ngân hàng lại trượt dốc (18/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật