Thứ Ba, 21/03/2023 10:21

Trước khi sụp đổ, Fed đã cảnh báo về hệ thống quản trị rủi ro của SVB từ năm 2019

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bày tỏ lo ngại về cách quản trị rủi ro ở Silicon Valley Bank (SVB) từ 4 năm trước, tài liệu cho thấy.

Trong tháng 1/2019, Fed đưa ra cảnh báo về hệ thống quản trị rủi ro của SVB, theo một bài trình bày gửi tới các nhân viên của SVB. Tại thời điểm đó, Fed gọi đây là vấn đề cần chú ý.

Sau đó, NHTW Mỹ cũng gửi nhiều cảnh báo tới SVB, gợi ý rằng vấn đề quản trị rủi ro của ngân hàng đã lọt vào tầm ngắm của Fed.

Lớn nhanh như thổi

Fed thường áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn với các ngân hàng quy mô lớn và việc SVB tăng trưởng quá nhanh chóng trong vài năm qua có thể khiến Fed áp dụng quy định giám sát chặt hơn.

Năm 2020, Fed thông báo với SVB rằng hệ thống kiểm soát rủi ro của họ không đáp ứng yêu cầu với một định chế tài chính lớn hoặc một công ty holding ngân hàng có hơn 100 tỷ USD tài sản.

Theo luật, các ngân hàng lớn không đáp ứng yêu cầu của Fed sẽ phải đưa ra các động thái điều chỉnh, nếu không sẽ bị Fed đưa ra động thái cưỡng ép.

Tại thời điểm đó, SVB tăng trưởng thần tốc khi dòng tiền gửi liên tục đổ vào trong giai đoạn đầu dịch bệnh. Trong quý 1/2021, tài sản có lợi suất tăng trưởng 76% so với cùng kỳ. Tài sản của ngân hàng tăng lên 114 tỷ USD vào cuối năm 2020, từ mức 70 tỷ USD trong năm 2019 – năm mà Fed bày tỏ lo ngại. Tài sản lại tiếp tục tăng lên gần gấp đôi trong giai đoạn 2020-2021, khoảng 209 tỷ USD, theo dữ liệu của FDIC.

Kế đó, sau cuộc đánh giá năm 2021, các giám sát viên của Fed tại San Francisco đã đưa ra 6 cảnh báo, được gọi là “các vấn đề cần lưu ý” và “các vấn đề cần lưu ý ngay lập tức”. Điều này cho thấy SVB đang rất yếu trong việc đảm bảo khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, ngân hàng đã phớt lờ những lỗ hổng này.

Đến tháng 7/2022, Fed xem xét cẩn thận hơn và đánh giá ngân hàng SVB là kém hiệu quả về quản trị và kiểm soát, kéo theo một loạt hạn chế. Mùa thu năm 2022, các giám sát viên từ Fed cũng gặp một số nhà lãnh đạo cấp cao của SVB để trao đổi trực tiếp.

Fed thấy rõ lãnh đạo ngân hàng đang sử dụng các mô hình không hiệu quả để xác định hoạt động khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Theo đó, họ cho rằng doanh thu từ hoạt động tài chính cao sẽ giúp ích đáng kể khi lãi suất tăng, nhưng điều đó không xảy ra trong thực tế.

Đầu năm 2023, Fed tiếp tục đánh giá khả năng quản lý rủi ro của SVB và phát hiện thêm nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, “ngày tàn” của SVB đã đến gần.

Ngày tàn đã đến

Silicon Valley Bank (SVB) bị buộc phải dừng hoạt động vào ngày 10/03 và trở thành ngân hàng lớn nhất đóng cửa kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nguồn gốc cho sự sụp đổ của SVB bắt nguồn từ sự hỗn loạn do làn sóng tăng lãi suất gây nên. Khi các khách hàng startup rút tiền gửi để duy trì hoạt động trong môi trường IPO và huy động vốn tư nhân bị đóng băng, SVB bắt đầu nhận ra tình trạng thiếu vốn. Ngân hàng này buộc phải bán tất cả trái phiếu sẵn sàng để bán với khoản lỗ 1.8 tỷ USD, SVB cho biết vào cuối ngày 08/03.

Công ty mẹ của SVB tiết lộ giá trị thị trường của trái phiếu nắm giữ tới lúc đáo hạn đã giảm 15.9 tỷ USD so với cuối tháng 9/2022. Con số này thậm chí còn cao hơn vốn chủ sở hữu của SVB tại thời điểm đó (15.8 tỷ USD).

Nhu cầu đột ngột về nguồn vốn mới, đặc biệt là sau sự sụp đổ của ngân hàng Silvergate trong lĩnh vực tiền điện tử, đã gây ra làn sóng rút tiền gửi khác vào ngày 09/03. Khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã khuyến nghị những công ty thuộc danh mục đầu tư của họ rút tiền, theo những người có kiến ​​thức về vấn đề này.

Kết quả, khách hàng đã rút một khoản tiền gửi đáng kinh ngạc là 42 tỷ USD tính đến cuối ngày 09/03, theo một hồ sơ công khai. Cơ quan quản lý cho biết vào cuối ngày hôm đó, SVB có số dư tiền mặt là âm 958 triệu USD, và không thể huy động đủ tài sản thế chấp từ các nguồn khác.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   Dow Jones tăng gần 400 điểm khi lo ngại về khủng hoảng ngân hàng dịu bớt (21/03/2023)

>   Chứng khoán Mỹ và châu Âu ngập sắc xanh, Dow Jones tăng hơn 350 điểm (20/03/2023)

>   Cổ phiếu UBS giảm 10%, Credit Suisse bốc hơi 60% sau thương vụ thâu tóm (20/03/2023)

>   UBS đề nghị mua Credit Suisse với giá 1 tỷ USD, thấp hơn 86% so với vốn hóa (19/03/2023)

>   Bloomberg: UBS yêu cầu Chính phủ Thụy Sỹ hỗ trợ nếu mua lại Credit Suisse (19/03/2023)

>   Cổ phiếu First Republic giảm tiếp 33% dù được bơm vốn (18/03/2023)

>   Dow Jones mất gần 400 điểm khi cổ phiếu ngân hàng lại trượt dốc (18/03/2023)

>   Dow Jones sụt hơn 450 điểm và dầu lao dốc, giá vàng tăng vọt (17/03/2023)

>   Công ty mẹ của Silicon Valley Bank nộp đơn phá sản (17/03/2023)

>   Dow Jones tăng hơn 370 điểm khi First Republic Bank được hỗ trợ (17/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật