Góc nhìn 29/03: Xu hướng tăng ngắn hạn duy trì tới vùng 1,150 điểm
Ở góc nhìn ngắn hạn, SHS nhận định VN-Index đã trở lại kênh hồi phục ngắn hạn với động lực tăng tốt, xác suất VN-Index duy trì xu hướng tăng ngắn hạn để hướng tới khu vực 1,150 điểm.
Vùng kháng cự 1,050-1,060 kìm hãm đà tăng
CTCK Tiên Phong (TPS): Mặc dù ghi nhận phiên tăng điểm 6 liên tiếp nhưng VN-Index vẫn chưa thể thoát khỏi vùng kháng cự 1,050-1,060 điểm mặc cho đã có thời điểm lực mua mạnh mẽ giúp chỉ số áp sát mức 1,060 điểm. Diễn biến này phản ánh áp lực bán vẫn đang hiện diện khá mạnh tại đây và kìm hãm xu hướng đi lên của thị trường.
Tuy nhiên, xét về dòng tiền, khối lượng giao dịch tiếp tục cải thiện và duy trì trên mức trung bình 10 phiên gần nhất cùng nhịp hồi phục của thị trường, qua đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang dần lạc quan hơn về triển vọng thị trường.
Hiện tại, vùng 1,050-1,060 điểm vẫn đang là kháng cự quan trọng đã kìm hãm đà tăng của chỉ số kể từ đầu đầu năm 2023 tới nay. Do đó, điểm mua nên được tiết chế khi VN-Index chinh phục hoàn toàn kháng cự này với mục tiêu hướng đến là đường SMA 200 ngày (quanh mức 1,100 điểm)
Xu hướng đi ngang là chủ đạo
CTCK Tân Việt (TVSI): Thị trường sẽ không có đột biến trong các phiên cuối cùng của tháng 3 nhờ các tác động chốt “NAV quý” của các quỹ tác động lên nhóm cổ phiếu trụ. Bên cạnh đó, TVSI cũng vẫn cho rằng xu hướng thị trường vẫn đang đi ngang là chủ đạo và sẽ chưa thay đổi trạng thái trong tháng 3.
Trong các phiên còn lại trong tuần, thị trường dự báo vẫn có thể tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu trụ có dòng tiền của các quỹ và thậm chí có cơ hội vượt qua vùng kháng cự 1,065 nhưng sẽ rất khó vượt các mốc đỉnh đã thiết lập trong tháng 2. Xu hướng tăng giá ngắn hạn chỉ được thiết lập trở lại nếu VN-Index đóng cửa tuần cao hơn mốc 1,065 điểm.
Xu hướng tăng ngắn hạn duy trì tới 1,150 điểm
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Với góc nhìn ngắn hạn, VN-Index đã trở lại kênh hồi phục ngắn hạn với động lực tăng tốt, xác suất VN-Index duy trì xu hướng tăng ngắn hạn để hướng tới khu vực 1,150 điểm. Tuy nhiên chỉ số nhiều khả năng sẽ có những diễn biến giằng co khi tiến tới gần khu vực 1,060 điểm (vùng đỉnh gần nhất ngày 15/03/2023).
Góc nhìn trung - dài hạn, biến động của VN-Index trong hơn 1 tháng qua gần như đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen, khối lượng giao dịch về tổng thể trung hạn vẫn đang ở mức thấp.
Kiểm định quanh ngưỡng 1,050-1,060
CTCK Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset): VN-Index tăng điểm kèm thanh khoản cải thiện, hiện có xu hướng kiểm định quanh ngưỡng 1,050-1,060.
Cần tích lũy thêm
CTCK Asean (Aseansc): Khả năng thị trường sẽ cần phải tích lũy thêm trước khi có xu hướng rõ ràng hơn, nhất là khi chỉ số VN-Index đã có 6 phiên tăng điểm liên tiếp. Dự báo trong phiên giao dịch tới (29/03), sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1,045-1,050 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1,055-1,060 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Tích lũy trong biên độ 1,050-1,060 để cân bằng cung - cầu
CTCK Agribank (Agriseco): Trong kịch bản tích cực, Agriseco cho rằng chỉ số cần thêm thời gian tích luỹ trong biên độ 1,050 -1,060 điểm để cân bằng cung - cầu trước khi hướng đến các vùng giá phía trên. Trái lại, nếu áp lực bán mạnh hơn, chỉ số có thể quay về kiểm định lại vùng hỗ trợ 1,030-1,040 điểm trong các phiên sắp tới.
Chờ đợi tín hiệu tăng điểm rõ ràng hơn
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): VN-Index hiện vẫn đang giằng co tại vùng kháng cự 1,050-1,060. Nhà đầu tư nên chờ đợi tín hiệu tăng điểm rõ ràng hơn để giao dịch.
Tiếp tục rung lắc giằng co
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Ngưỡng cản mạnh quanh 1,05x tiếp tục cho phản ứng và khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên 28/03.
VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp rung lắc giằng co trong phiên kế tiếp (29/03) nhằm thiết lập một mặt bằng giá vững chãi hơn trước khi quay lại xu hướng hồi phục chủ đạo và hướng lên vùng đích kỳ vọng 1,070.
Gia tăng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn
CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS): VN-Index kết phiên 28/03 tạo nến dạng doji cho thấy sự lưỡng lự của nhà đầu tư. Tại khung đồ thị giờ, mẫu hình nến inverted hammer liên tục được hình thành cho thấy áp lực bán đang dần mạnh lên. Bên cạnh đó, việc chỉ báo RSI đã ở vùng cao và liên tục tạo đỉnh cho thấy rủi ro điều chỉnh ngắn hạn trong các phiên tới đã gia tăng đáng kể.
Thế Mạnh
FILI
|