Giảm lãi suất điều hành – Chính sách đang linh hoạt hơn?
Với việc giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, đây hầu hết là các nghiệp vụ của NHNN hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các nhà băng với giá trị không quá lớn, cho thấy nhà điều hành vẫn đang thận trọng trước xu hướng lãi suất dài hạn trong tương lai.
Bối cảnh phù hợp?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ có động thái giảm lãi suất điều hành từ ngày 15/03, với mức giảm 1 điểm % ở lãi suất tái chiết khấu từ 4.5%/năm xuống 3.5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ 7%/năm xuống 6 %/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5.5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6.5%/năm xuống 6%/năm.
Đây là lần điều chỉnh lãi suất điều hành thứ ba trong vòng 6 tháng qua, cho thấy cơ quan này đang khá linh hoạt và bám sát những diễn biến của thị trường tiền tệ để có các quyết sách phản ứng kịp thời, hỗ trợ thêm cho nền kinh tế trước bối cảnh đầy bất ổn với những rủi ro khó lường như hiện nay. Hai lần điều chỉnh trước diễn ra vào thời điểm cuối tháng 9 và tháng 10 năm ngoái theo chiều hướng tăng lãi suất.
Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN diễn ra khi thanh khoản của hệ thống đang khá dồi dào, đến nỗi mà gần đây cơ quan này phải liên tục phát hành các tín phiếu kỳ hạn lên tới 91 ngày để hút tiền về. Tuy nhiên, dù các ngân hàng đang thừa tiền nhưng lại không thể đẩy mạnh cho vay ra, bên cạnh yếu tố mùa vụ nhu cầu vay đầu năm thường thấp còn là vì mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay quá cao đã làm giảm động lực vay vốn của nhiều khách hàng, trong khi những khách hàng đang thật sự cần vốn lại nằm ở nhóm rủi ro cao và thuộc các lĩnh vực không được ưu tiên, khuyến khích.
Một số ý kiến cũng đánh giá rằng, NHNN đang chủ động đi trước đón đầu, dựa trên nhiều dự báo gần đây đã đổi chiều khi cho rằng với sự sụp đổ của một số ngân hàng tại Mỹ như Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank hay Silvergate Bank có thể khiến Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải bắt đầu ngừng tăng lãi suất từ cuộc họp tháng 3 này. Có thể nói việc nâng lãi suất mạnh tay của Fed trong hơn một năm qua đã gây áp lực đáng kể lên chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Việc giảm trần lãi suất cho vay VND với các lĩnh vực ưu tiên rõ ràng sẽ có những tác động tích cực và lan tỏa hơn, cũng như cho thấy ý chí và nỗ lực của nhà điều hành đang muốn kiềm giữ, kéo lãi suất đi xuống trở lại, với kỳ vọng chu kỳ thắt chặt đã đi qua và lãi suất có thể đã đạt đỉnh.
|
Dự báo Fed có thể ngừng tăng lãi suất hoặc nếu có cũng chỉ tăng thêm 0.25 điểm % trong cuộc họp tháng 3 này, thay vì 0.5 điểm % như hầu hết kỳ vọng trước đó, càng được củng cố khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ công bố trong ngày 14/03 cho thấy chỉ tăng 6% so với cùng kỳ và tăng 0.4% so với tháng trước, đúng như dự báo và thấp hơn mức tăng 6.4% và 0.5% của tháng trước.
Trong một phát biểu gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng Fed có thể nâng lãi suất mạnh tay hơn nếu các dữ liệu kinh tế đi chệch khỏi dự báo, nhưng với số liệu CPI mới nhất cho thấy lạm phát Mỹ đang hạ nhiệt như kỳ vọng, đưa đến hy vọng Fed sẽ “bồ câu” trở lại và từ bỏ quan điểm “diều hâu” gia tăng trong những tuần qua, nhất là trước những hỗn loạn trên thị trường tài chính nền kinh tế lớn nhất thế giới những ngày gần đây.
Tác động có sâu rộng?
Tuy nhiên, trong đợt điều chỉnh lần này, mức lãi suất tái cấp vốn vẫn được giữ nguyên 6%, trong khi trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng không có bất kỳ sự điều chỉnh nào, nên vẫn đang được duy trì ở mức 6%/năm. Việc giữ nguyên hai loại lãi suất điều hành vốn có tác động cốt lõi lên chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng, nên không lạ khi cũng có ý kiến cho rằng đợt điều chỉnh lần này trước mắt chỉ mang yếu tố hỗ trợ về mặt tâm lý cho thị trường, còn mức độ tác động có sâu rộng hay không cần phải quan sát thêm.
Thật vậy, với việc giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, đây hầu hết là các nghiệp vụ của NHNN hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các nhà băng với giá trị không quá lớn, cho thấy nhà điều hành vẫn đang thận trọng trước xu hướng lãi suất dài hạn trong tương lai.
Chính cơ quan này cũng giữ quan điểm sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng khi mà lạm phát hai tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu cả năm là 4.5% mà Quốc hội đề ra; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các NHTW lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao.
Đáng lưu ý là chỉ mới tuần trước các ngân hàng đã đồng loạt giảm mạnh lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, giúp thu hẹp mức chênh lệch với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, lẽ ra có thể là một trong những điều kiện quan trọng hỗ trợ cho động thái giảm trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng. Tuy nhiên, việc giữ nguyên loại lãi suất điều hành này dường như phản ánh những e ngại của nhà điều hành về sự không chắc chắn của biến số lạm phát và xu hướng lãi suất trong tương lai như đã nói.
Dù vậy, việc giảm trần lãi suất cho vay VND với các lĩnh vực ưu tiên rõ ràng sẽ có những tác động tích cực và lan tỏa hơn, cũng như cho thấy ý chí và nỗ lực của nhà điều hành đang muốn kiềm giữ và kéo lãi suất đi xuống trở lại, với kỳ vọng chu kỳ thắt chặt đã đi qua và lãi suất có thể đã đạt đỉnh. Động thái này cũng đáp ứng định hướng, hiện thực hóa những yêu cầu liên tục gần đây của Chính phủ về việc phải nhanh chóng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về phần mình, NHNN cũng nhấn mạnh việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong một diễn biến khác, một số ngân hàng mới đây cũng đã bất ngờ giảm lãi suất tiền gửi kỳ 12 – 13 tháng, vốn được nhiều ngân hàng xác định là lãi suất cơ sở để tính toán lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đơn cử như nhóm NHTM Nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank đã giảm 0.2 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống 7.2%/năm. Đây là diễn biến khá tích cực, cho thấy lãi suất cho vay dường như bắt đầu có những bước giảm trở lại, dù vậy cần phải chờ đợi thêm sự lan tỏa sâu rộng hơn đến từ các NHTM khác.
Nhung Võ
FILI
|