Thứ Ba, 14/03/2023 16:16

Lời khai của cựu lãnh đạo ngân hàng trong vụ cho 'vay ẩu' hơn 52 triệu USD

Khi xét hỏi, hai bị cáo Đỗ Quốc Hùng, Lưu Thị Bích Thủy, là cựu lãnh đạo chi nhánh của ngân hàng đã thừa nhận sai sót trong khâu thẩm định, duyệt cho doanh nghiệp nước ngoài vay, gây thất thoát hơn 181 tỷ đồng.

Bị cáo buộc cho vay "ẩu"

Sáng 14/3, TAND TP Hà Nội xét xử 7 bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 Bộ luật Hình sự 1999.

Các bị cáo gồm, Đỗ Quốc Hùng, nguyên Giám đốc BIDV Thành Đô; Lưu Thị Bích Thủy, nguyên Phó giám đốc; Phạm Anh Tài, nguyên Trưởng phòng tín dụng; Nguyễn Văn Hà, nguyên Phó phòng tín dụng; Lại Minh Ngọc, nguyên Trưởng phòng thẩm định; Lê Vũ Thanh, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Tây Nam Quảng Ninh và Đỗ Xuân Khoan, nguyên Phó phòng tín dụng BIDV Tây Nam Quảng Ninh.

Theo cáo buộc, Công ty Kenmark là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thành lập để thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark, trên khu đất 46ha thuộc tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc là Hwang Jonathan Cheng Yu (quốc tịch Mỹ).

Cáo buộc cho rằng, năm 2007, Hwang Jonathan Cheng Yu gửi đề nghị vay vốn tới BIDV chi nhánh Thành Đô với số tiền 69 triệu USD thời hạn 84 tháng.

BIDV Thành Đô đã mời BIDV Tây Nam Quảng Ninh, BIDV Đông Hà Nội và ngân hàng SHB chi nhánh Quảng Ninh, Habubank chi nhánh Bắc Ninh làm đồng tài trợ, thành lập Tổ thẩm định chung.

Viện kiểm sát cáo buộc nhóm cán bộ ngân hàng nêu trên đã làm sai quy định, giúp Công ty Kenmark vay từ BIDV, SHB và Habubank vay hơn 52,8 triệu USD cùng 57 tỷ đồng, dù không đủ điều kiện dẫn tới thiệt hại 360 tỷ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 9/2020.

Riêng tại BIDV, Viện kiểm sát cáo buộc đến năm 2022, ngân hàng này không thể thu hồi hơn 7,8 triệu USD, tương đương 181 tỷ đồng. Hậu quả này do 7 bị cáo trong vụ án “không đánh giá đúng mức các yếu tố rủi ro”, đề xuất cho vay dù hồ sơ của Kenmark không đầy đủ tài liệu, năng lực tài chính không đảm bảo.

Nhóm 7 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo BIDV tại tòa.

Thừa nhận một phần sai sót

Tại tòa, bị cáo Đỗ Quốc Hùng không đồng ý khi bị cơ quan truy tố cáo buộc biết Kenmark tình hình tài chính chưa rõ ràng và chưa có kinh nghiệm đầu tư tài chính tại Việt Nam, công ty mẹ chưa đủ năng lực bảo lãnh, nhưng vẫn đồng ý cho vay.

Theo Hùng, Công ty Kenmark là doanh nghiệp lớn, uy tín ở Đài Loan, kinh doanh hiệu quả khắp thế giới. Hơn nữa, Kenmark thực tế lúc đó làm ăn tốt, chỉ số năng lực tài chính cao, doanh thu hơn 100 triệu USD một năm.

Cựu giám đốc BIDV cho hay, khi xem xét hồ sơ công ty, ông nhận thấy hồ sơ còn có có phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh Hải Dương, văn bản Thủ tướng chấp thuận mở khu công nghiệp, các bản thiết kế nhà xưởng được tỉnh duyệt.

Khi Chủ tọa Vũ Quang Huy hỏi: "có nhớ công văn ngày 26/10/2007, BIDV Hội sở phản hồi, yêu cầu năng lực tài chính chủ đầu tư Kenmark, phải đáp ứng tự có vốn tối thiểu 30% không?". Bị cáo Hùng nói không nhớ, không biết có nội dung này và chỉ nhớ Hội sở yêu cầu đánh giá kỹ năng lực Kenmark.

Sau câu trả lời của Hùng, HĐXX công bố lại các nội dung về năng lực yếu kém, mập mờ của Kenmark, được Thanh tra Ngân hàng nhà nước nêu trong các lần làm việc sau này, đều có chữ ký của giám đốc Hùng khi đó.

Còn ông Hùng khai, làm việc với thanh tra ngân hàng Nhà nước nhiều lần, nhưng không nhớ rõ chi tiết, chỉ nhớ có một ý kiến của đoàn thanh tra cho rằng, "hồ sơ thẩm định cho vay dự án có sai sót”.

Theo ông Hùng, sau khi xảy ra sự việc vỡ nợ, cá nhân ông đã phối hợp bán tài sản Kenmark, thu hồi nợ, giải quyết hậu quả cho ngân hàng. Từ năm 2013, ông chuyển công tác lên hội sở làm Phó giám đốc trung tâm xử lý nợ nên không rõ kết quả xử lý nợ của doanh nghiệp này ra sao.

Cuối phần trả lời, ông Hùng thừa nhận có một phần lỗi, bởi đây là dự án lớn, quá trình quản lý khách hàng, giải ngân, thẩm định chủ đầu tư, ông có vài sơ suất.

"Bị cáo chỉ có mục tiêu phát triển ngân hàng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Có thể do năng lực hoặc kinh nghiệm hạn chế, bị cáo chưa đánh giá hết được rủi ro. Nhưng bị cáo không mong muốn điều đó xảy ra", ông Hùng nói.

Còn bị cáo Lưu Thị Bích Thủy, nguyên Phó giám đốc BIDV chi nhánh Thành Đô khai nhận, quá trình thẩm định chung cho Công ty Kenmark vay tiền, bị cáo đã đánh giá dự án khả thi và có tài sản đảm bảo.

Cạnh đó, tổ thẩm định chung cũng đánh giá tại thời điểm đó, dự án của Kenmark được xem như dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ và địa phương đều quan tâm.

“Tổ thẩm định dựa trên cơ sở hồ sơ dự án cho thấy Công ty Kenmark có khả năng trả nợ gốc và lãi. Bị cáo là 1 trong 13 thành viên tổ thẩm định chung ký báo cáo, sau khi ký hồ sơ, bị cáo cũng tham gia vào quá trình giải ngân, xem xét các điều kiện giải ngân”, Thủy khai.

“Trong quá trình điều tra bị cáo có nhiều lời khai thể hiện việc giải ngân có nhiều thiếu sót, bị cáo thấy sao?”, Chủ tọa đặt câu hỏi. Bị cáo Thủy thừa nhận tại thời điểm giải ngân cho doanh nghiệp, bị cáo nhớ có “thiếu sót” song vụ việc đã quá lâu, đến bây giờ điều tra có thể bị cáo không nhớ chi tiết để khai.

Nữ bị cáo này cũng cho rằng bản thân chưa có kinh nghiệm và chưa đánh giá đúng các yếu tố thẩm định cho Công ty Kenmark vay, khi làm việc với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát bị cáo mới hiểu hết vấn đề.

Hoàng An

Tiền phong

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ VIB: NIM năm 2023 sẽ ở mức 4.5-4.6% (15/03/2023)

>   Yêu cầu thi hành án dứt điểm các vụ việc phức tạp liên quan đến ngân hàng (14/03/2023)

>   Cảnh sát kiểm tra toàn bộ điểm giao dịch của F88 tại Sóc Trăng (14/03/2023)

>   Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích nguyên nhân gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm giải ngân (14/03/2023)

>   Làm mới bộ thẻ tín dụng, VIB cam kết chất lượng cho nhu cầu thực tế của khách hàng (14/03/2023)

>   Sacombank cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam 3 năm liên tiếp  (13/03/2023)

>   Hiệu quả kinh doanh top đầu, ĐHĐCĐ VIB dự kiến duyệt kế hoạch cổ tức và tăng vốn (13/03/2023)

>   Giúp ‘siêu lừa’ chiếm đoạt hàng trăm tỷ, nhóm cán bộ VietABank đổ lỗi cho nhau (13/03/2023)

>   Làm sao để ngân hàng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại “chất lượng”? (14/03/2023)

>   Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank có ảnh hưởng gì đến Việt Nam? (13/03/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật