Giải pháp mở rộng và tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV tại TPHCM
Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn TPHCM năm 2022 đạt gần 900,000 tỷ đồng, tăng 1.5 lần so với năm 2018. Bình quân tăng 26%/năm, trong khi tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn bình quân 11%/năm trong 5 năm qua.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết DNNVV có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội TPHCM, không những đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GRDP hàng năm và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nhờ tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động mà còn phát huy được ưu thế vượt trội về khả năng phát triển, sự linh hoạt và năng động, cũng như sự phù hợp với yêu cầu phát triển của loại hình kinh tế tư nhân.
Tốc độ tín dụng duy trì mức tăng khá, tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung hàng năm trên địa bàn. Theo đó, tín dụng đối với DNNVV trên địa bàn năm 2022 đạt gần 900,000 tỷ đồng, tăng 1.5 lần so với năm 2018. Bình quân tăng 26%/năm, trong khi tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn bình quân 11%/năm trong 5 năm qua.
Cơ cấu tín dụng hợp lý, phù hợp với nhu cầu phát triển của DNNVV, phù hợp với định hướng chính sách. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VNĐ chiếm trên 96% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp này và dư nợ ngắn hạn chiếm gần 50% tổng dư nợ tín dụng đối với DNNVV trên địa bàn Thành phố. Phân tích theo nhóm ngành, lĩnh vực hoạt động, dư nợ cho vay nhóm ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay DNNVV trên địa bàn, chiếm khoảng 67%.
Cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của NHTW đã trực tiếp hỗ trợ DNNVV, đặc biệt trong mỗi giai đoạn khó khăn của nền kinh tế: ảnh hưởng khủng hoảng toàn cầu, thiên tai dịch bệnh… Trong đó, việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất thấp theo cơ chế Thông tư 01, 02 và Thông tư 14 để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho DNNVV trên địa bàn, giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch phục hồi và tăng trưởng trở lại nhanh chóng trong năm 2022.
Riêng đối với cho vay ngắn hạn bằng VNĐ cho 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, gồm: xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; DNNVV; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với lãi suất trần ưu đãi, dư nợ của DNNVV luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới khoảng 68-70% tổng dư nợ tín dụng đối với 05 nhóm ngành lĩnh vực này.
Những kết quả quan trọng trong hoạt động tín dụng đối với DNNVV trên địa bàn Thành phố của ngành ngân hàng đã góp phần tiếp sức doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố.
Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng và tăng trưởng tin dụng đối với DNNVV có hiệu quả, cũng như thực hiện tốt các nhiệm vụ về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, ông Lệnh cho biết cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
(1) Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng, nhất là các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, của NHTW và của UBND TP nhằm hỗ trợ cho DNNVV. Trước hết là chính sách cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 05 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và các chương trình kích cầu của UBND TP; cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định 51 của Chính phủ và các chương trình tín dụng khác của NHTW theo ngành, lĩnh vực.
(2) Các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục cải cách hành chính, quy trình và thủ tục giao dịch gắn với mô hình quản lý, quản trị mới, ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại trong hoạt động và tinh thần chuyển đổi số ngành ngân hàng, nhằm tạo tiện ích tối đa cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng trong giao dịch với ngân hàng, đồng thời rút ngắn thời gian giao dịch, thời gian xử lý hồ sơ…, qua đó trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí thời gian, chi phí khác có liên quan.
(3) Các DNNVV cần không ngừng đổi mới. Trong đó, cần đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành doanh nghiệp, đặc biệt hoạt động tài chính đảm bảo công khai minh bạch, hiệu quả và lành mạnh; có hệ thống sổ sách kế toán bài bản, minh bạch và đúng quy định… Chỉ có hệ thống tài chính kế toán công khai minh bạch và hoạt động hiệu quả, lành mạnh mới bảo đảm sự thuận lợi cho các TCTD xem xét cho vay trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
(4) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan, những đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện luật hỗ trợ DNNVV để tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp cũng như phối hợp trao đổi cung cấp thông tin, phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh liên quan.
Hàn Đông
FILI
|