Thứ Ba, 21/02/2023 11:30

HSBC: Tiêu dùng có trụ vững trong năm 2023?

HSBC vừa công bố báo cáo “ASEAN Perspectives - Liệu tiêu dùng có trụ vững?”, xoay quanh tăng trưởng tiêu dùng của ASEAN trong năm 2023 và khả năng bộ phận người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chất xúc tác cho màn tăng trưởng ấn tượng của ASEAN trong năm 2022 chính là sự bùng nổ tiêu dùng cá nhân. Sau khi mở cửa trở lại trên diện rộng, nhu cầu bị dồn nén bấy lâu đã được giải phóng khi người tiêu dùng đổ xô quay trở lại các trung tâm mua sắm, ăn uống bên ngoài nhiều hơn và đi du lịch vào dịp nghỉ lễ. 

Năm 2023 thì sao?

Câu trả lời ngắn gọn chính là tăng trưởng tiêu dùng có thể ở mức vừa phải vào năm 2023, nhưng ít nhất, đây vẫn là một trụ cột chính hỗ trợ tăng trưởng. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng không đưa ra hỗ trợ hướng tới người tiêu dùng trên diện rộng, vốn là một phần trong nỗ lực củng cố tài chính của Nhà nước, nhưng một số nền kinh tế, chẳng hạn như Singapore và Malaysia, có thể cung cấp một số biện pháp hỗ trợ tài khóa để bù đắp chi phí sinh hoạt gia tăng từ ngân sách năm 2023 của các nước này. Tuy nhiên, điều tiết lạm phát, mặc dù ở các mức độ khác nhau, và cải thiện tâm lý người tiêu dùng có thể thúc đẩy tiêu dùng.

Sự phục hồi của việc làm và tiền lương

Khi các hạn chế được nới lỏng, sự phục hồi việc làm trong năm 2022 đã giúp tiêu dùng hồi sinh, đặc biệt là ở Philippines, Thái Lan và Indonesia, nơi số lượng việc làm vượt quá xu hướng trước đại dịch; tuy nhiên, tiền lương của những công việc này cũng là vấn đề cần lưu tâm. Sức mua của tiền lương ở Malaysia và Philippines giảm đi trong năm 2022 do giá hàng hóa tăng nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương.

Tiết kiệm hay không tiết kiệm?

Các hộ gia đình ở ASEAN dường như đã tiêu hết tiền tiết kiệm trong năm 2022. Nguyên nhân có thể do nhu cầu bị dồn nén nay được giải phóng hoặc nhiều khả năng là để đối phó với chi phí sinh hoạt cao hơn hiện nay. Do đó, HSBC nhận thấy các hộ gia đình sẽ hạn chế tiêu dùng trong năm 2023 để tích lũy tiết kiệm trở lại. Ngoài ra, tiêu dùng sẽ chậm lại trong năm 2023 vì hầu hết ngân hàng trung ương có thể giữ lãi suất cao, điều này sẽ làm hạn chế người dân đi vay và do đó hạn chế tiêu dùng trong khi khuyến khích tiết kiệm.

Triển vọng 2023

Tiêu dùng sẽ đi về đâu trong năm 2023 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát, chính sách tài khóa, tâm lý người tiêu dùng, sự phục hồi của thị trường lao động và tỷ lệ tiết kiệm. Vì sao HSBC kỳ vọng tiêu dùng sẽ duy trì tốt trong năm nay?

Đầu tiên và quan trọng nhất, lạm phát vẫn là mối quan tâm chính của người tiêu dùng. May mắn thay, hầu hết nền kinh tế ASEAN đã vượt qua giai đoạn đỉnh lạm phát, mặc dù Philippines và Việt Nam vẫn tiếp tục chứng kiến áp lực tăng giá ngày càng tăng. Mặc dù vậy, lạm phát nhiều khả năng giảm dần, nghĩa là áp lực giá tăng kéo tới ít nhất là nửa đầu năm 2023. Xét cho cùng, lạm phát cơ bản đã tăng lên ở hầu hết nền kinh tế, phản ánh thị trường lao động sôi động. Ngay cả trong trường hợp của Singapore, quốc gia sớm có động thái và cung cấp các khoản trợ cấp tài khóa hào phóng để trực tiếp “giải cứu” việc làm, thị trường lao động nước này vẫn trong tình trạng thắt chặt với mức tăng lương có xu hướng vượt các mốc trước đây.

 

Mặc dù vậy, hầu hết nhà hoạch định chính sách ở ASEAN ít khả năng triển khai các biện pháp tài khóa quy mô lớn hướng tới người tiêu dùng. Xét cho cùng, sau ba năm hỗ trợ mạnh mẽ ở một số nền kinh tế, cả khu vực đều đồng thuận ASEAN cần theo đuổi định hướng củng cố tài khóa, mặc dù tốc độ mỗi nước một khác. 

Sự phục hồi của việc làm và sức mua

Hãy cùng tìm hiểu động lực tiếp sức cho tiêu dùng ngay từ đầu - việc làm của người lao động và thu nhập từ công việc đó. Càng nhiều người làm việc và càng kiếm được nhiều tiền thì càng có nhiều nguồn lực trong nền kinh tế để chi tiêu. Tất nhiên, đây là quan điểm quá đơn giản, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là lao động thường đi theo xu hướng. Nguồn cung lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tiền lương, lựa chọn tùy thích và thu nhập phát sinh ngoài công việc. Tuy nhiên, một yếu tố chính là dân số, nguồn cung lao động tiềm năng tăng lên cùng sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động, dẫn đến nguồn cung lao động tuân theo một số dạng xu hướng tự nhiên. Đặt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch, có thể phỏng đoán nguồn cung lao động ít nhiều đã bình thường hóa khi việc làm quay trở lại xu hướng tự nhiên này. Nếu việc làm vẫn ở dưới ngưỡng của xu hướng thì nghĩa là vẫn còn cơ hội để lao động phục hồi.

Vì vậy, HSBC cho rằng tiêu dùng ở ASEAN sẽ chậm lại vào năm 2023 nhưng mỗi nước mỗi khác; tiêu dùng tại Philippines có thể chậm lại nhiều nhất; trong khi Việt Nam, Malaysia và Singapore có thể cho thấy sự vững vàng nhất định.

Thu nhập nhận được từ công việc thì sao? Nó có tăng lên giữa làn sóng lạm phát năm 2022 không? Đó là bức tranh đa chiều, ở đó Việt Nam và Indonesia được lợi, trong khi Malaysia và Philippines chứng kiến giá hàng hóa và dịch vụ có tốc độ tăng nhanh hơn tiền lương, làm “xói mòn” sức mua và cắt giảm tiêu dùng trong tương lai gần. Tác động do lạm phát thường không thấy ngay được và các hộ gia đình có thể tiếp tục điều chỉnh lại chi tiêu trong suốt cả năm do chi phí sinh hoạt tăng mạnh.

Tuy nhiên, lần nữa, mức độ suy giảm của mỗi nước ASEAN mỗi khác. Sức mua của tiền lương không giảm nhiều ở Malaysia, nơi thị trường lao động tiếp tục phục hồi gần mức trước đại dịch, trong khi sức mua ở Việt Nam thậm chí còn tăng lên, tiếp thêm sự vững vàng cho nền kinh tế trong năm 2023.

 

Tiêu dùng cũng là vấn đề trong câu hỏi bao nhiêu thu nhập được dành để tiết kiệm, và câu trả lời thường phụ thuộc vào mức lãi suất mà người tiêu dùng được hưởng. Lãi suất hoạt động theo cả hai cách. Lãi suất cao sẽ hạn chế người tiêu dùng đi vay (nghĩa là tiêu dùng nhiều hơn), đồng thời thúc đẩy tiết kiệm do thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm tăng lên.

Các nền kinh tế ASEAN có khả năng áp dụng chính sách tiền tệ theo hướng hạn chế là những nền kinh tế đã chứng kiến tỷ lệ tiết kiệm trên toàn nền kinh tế giảm trong giai đoạn từ năm 2020-2022, ngoại trừ Singapore. Việc giữ lãi suất cao là cần thiết để đưa tỷ lệ tiết kiệm trở lại mức trước đại dịch, nhằm thu hẹp thâm hụt tài khoản vãng lai và thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô - nhưng phải trả giá bằng hấp thu trong nước thấp đi, do khả năng chi tiêu tiêu dùng giảm, khi thanh khoản bị vắt kiệt trong nền kinh tế.

Ngay cả ở cấp hộ gia đình, tỷ lệ tiết kiệm ở một số nền kinh tế có thể đã giảm xuống. Các hộ gia đình có thể đã rút hết tiền tiết kiệm do nhu cầu bị dồn nén được giải phóng khi nền kinh tế "mở cửa trở lại" hoặc để đối phó chi phí sinh hoạt cao hơn (do sức mua của người lao động giảm sút). 

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   HT1, PHR và NT2 có đáng quan tâm? (20/02/2023)

>   Cổ phiếu bất động sản đã tạo đáy hay chưa? (19/02/2023)

>   Góc nhìn tuần 20 - 24/02: VN-Index trong nhịp hồi ngắn hạn? (19/02/2023)

>   Góc nhìn 17/02: Quay lại đà giảm? (16/02/2023)

>   Góc nhìn 16/02: Chưa thể hồi phục? (15/02/2023)

>   CTS dự báo lãi suất huy động có xu hướng giảm dần về cuối năm 2023 (15/02/2023)

>   Góc nhìn 15/02: Thanh khoản tiếp tục thấp? (14/02/2023)

>   Góc nhìn 14/02: Tiến về vùng hỗ trợ quanh 1,000 điểm? (13/02/2023)

>   Kỷ nguyên “tiền đắt” sắp kết thúc khi lạm phát đạt đỉnh (13/02/2023)

>   REE, PNJ và CNG liệu có khả quan? (13/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật