Thứ Hai, 13/02/2023 10:56

Kỷ nguyên “tiền đắt” sắp kết thúc khi lạm phát đạt đỉnh

Trái với năm 2022 khi thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng liên tục đi xuống, lần này việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lại được xem là tin tốt, khi TTCK phản ứng có phần tích cực.

Ảnh minh họa

Phản ứng tích cực với Fed

Fed vừa có đợt tăng lãi suất đầu tiên của năm 2023 (và là lần thứ 8 liên tiếp) với mức tăng khá nhẹ nhàng chỉ 0,25%, lên mức 4,75% (cao nhất 15 năm), sau chuỗi tăng liên tiếp 0,75% trong suốt năm 2022. Điều đặc biệt, TTCK đã có phản ứng tích cực, khi Nasdaq và S&P 500 có 4 tuần tăng trong 5 tuần gần nhất.

Mặc dù lãi suất ngày càng cao cho thấy kỷ nguyên “tiền đắt” chưa có dấu hiệu lập đỉnh, nhưng thị trường vẫn tích cực nhờ phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT) vào tương lai tốt đẹp. Bởi lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh khi số liệu CPI, PCE, cả PPI của Mỹ và một số nền kinh tế lớn khác đi xuống.

Bên cạnh đó, việc Fed dù vẫn duy trì việc tăng lãi suất nhưng đà tăng đã giảm rất mạnh (từ 0,75% mỗi lần xuống 0,25%), cho thấy Fed và các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn khác kỳ vọng vào điều này khiến họ bắt đầu “đạp phanh”. Điều này cũng giúp USD Index lao dốc mạnh từ mức cao 115 điểm, có lúc quay về dưới 100 điểm, đã góp phần thúc đẩy giá cả các sản phẩm tài chính và CK.

Với những kỳ vọng trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần đầu tiên nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu tăng 2,9% năm 2023, cao hơn 0,2% so với báo cáo hồi tháng 10-2022. NĐT cũng kỳ vọng đà tăng lãi suất của Fed và các NHTW sẽ sớm dừng lại và đảo chiều chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy kinh tế, đặc biệt quay lại thời kỳ “tiền rẻ” đã giúp TTCK có 2 năm 2020 và 2021 rực rỡ. Do đó, đã lý giải việc TTCK Mỹ và thế giới cũng như TTCK Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn trước Tết Nguyên đán có sự tăng trưởng mạnh.

Thử thách vẫn ở phía trước

Dù IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng tốc độ 2,9% vẫn thấp hơn so với 3,4% năm ngoái. Đồng thời IMF cũng điều chỉnh giảm dự báo cho năm 2024 về 3,1%. Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận xét nền kinh tế không tệ như cảnh báo ban đầu. "Nhưng điều đó không có nghĩa mọi việc tốt đẹp. Chúng ta cần phải thận trọng" - bà nói.

Ngoài ra, IMF tính toán khoảng 84% quốc gia sẽ ghi nhận lạm phát năm nay thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, mức lạm phát trung bình toàn cầu vẫn sẽ vào khoảng 6,6% năm 2023 và 4,3% năm 2024. Nghĩa là lạm phát thực tế dù có giảm nhưng vẫn còn cao hơn lạm phát mục tiêu rất nhiều, thậm chí đến vài lần (như ở Mỹ và châu Âu lạm phát mục tiêu chỉ khoảng 2%).

Như vậy, dù tốc độ tăng lãi suất có thể chậm đi, thậm chí sớm dừng lại, nhưng chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay sẽ khó thay đổi trong ngắn hạn, nhất là khi Fed tuyên bố ngay cả khi lạm phát giảm về mức mục tiêu vẫn cần thêm bằng chứng nó được duy trì ở mức mục tiêu “thêm một khoảng thời gian” trước khi thay đổi chính sách. Bên cạnh đó, tin tốt cũng làm NĐT lo sợ Fed sẽ mạnh tay hơn, hay ít nhất duy trì chu kỳ tiền đắt dài thêm nữa.

Trong tháng 1, Bộ Lao động Mỹ công bố nền kinh tế Mỹ có thêm 517.000 việc làm, gấp 2,8 lần dự báo 187.000 việc làm và gấp đôi mức tăng 260.000 việc làm của tháng 12-2022. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4% so với dự báo 3,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 5-1969, và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng cao lên 62,4%.

Số liệu tích cực này cho thấy việc nền kinh tế số 1 thế giới khó rơi vào suy thoái, nhưng cũng đồng thời cho thấy Fed còn quá nhiều dư địa để thắt chặt chính sách hơn nữa, nhằm đảm bảo lạm phát không còn là mối đe dọa đến việc kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vì các biện pháp thắt chặt.

Theo thống kê của Fed, quy mô cung tiền M2 của Mỹ tới tháng 12-2022 là 21.370 tỷ USD, giảm 682 tỷ USD, mất 3,1% so với đỉnh lịch sử thiết lập ngày 18-4-2022. Như vậy, nếu so với cùng kỳ số liệu M2 đã giảm 0,74% và là tuần thứ 3 liên tiếp cung tiền M2 của Mỹ thấp hơn trong một năm trước.

Cần lưu ý, đầu năm 2021 cung tiền của Mỹ từng tăng trưởng tới 25-27%, sang tới năm 2022 tỷ lệ tăng vẫn duy trì trên 10%. Trong chưa đầy 1 năm, tăng trưởng cung tiền đã chuyển từ dương sang âm. Kể từ khi số liệu được thu thập vào năm 1981 đến nay cung tiền M2 của Mỹ chưa bao giờ giảm đến 0,7% so với cùng kỳ.

Do đó, khủng hoảng năm 2008 cũng như đợt dịch Covid 2020-2021, Fed đã bơm ra quá nhiều tiền để hỗ trợ kinh tế (gấp gần chục lần so với hơn chục năm trước). Vì thế, với chính sách hiện nay trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn mạnh và lạm phát dù giảm nhưng vẫn cao, Fed càng khó nới lỏng chính sách sớm, khi chỉ vừa hút được một lượng tiền về, sau nhiều năm bơm ra nền kinh tế đã để lại nhiều hậu quả như lạm phát cao nhất nhiều thập niên.

Kỳ vọng về tương lai

Như vậy, việc TTCK dù có phản ứng tích cực trong ngắn hạn, nhưng để có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng về lâu dài còn cần nhiều yếu tố hỗ trợ hơn nữa. Bên cạnh lạm phát giảm, tốc độ tăng lãi suất giảm, việc kinh tế quốc tế không rơi vào suy thoái, hoặc chí ít cũng chỉ suy thoái nhẹ và chính sách thắt chặt có thể không cần phải chuyển thành nới lỏng. Song ít nhất mức độ thắt chặt giảm dần, lãi suất cũng phải giảm về mức trung tính, USD Index giảm hoặc không quá mạnh sẽ là các yếu tố cần thiết để hỗ trợ thị trường.

NĐT vẫn có thể kỳ vọng năm 2023 tốt đẹp, dù TTCK thế giới đã mất hơn 18.000 tỷ USD trong năm qua, nhưng tin tốt là TTCK hiếm khi giảm 2 năm liên tiếp. Tuy vậy, khi giảm 2 năm mức độ sẽ mạnh hơn năm trước đó.

Theo một thống kê của Stock Trader’s Almanac, trong các năm S&P 500 có 5 phiên giao dịch đầu năm tăng, thường năm đó có xác suất tới 83% thị trường sẽ tăng với mức tăng trung bình khoảng 14%. Năm 2023 S&P 500 đã tăng 1,1% trong 5 phiên đầu tiên. Ngoài ra, tháng 1 vững vàng thường là tín hiệu tốt cho thị trường và có nhiều khả năng cho xu hướng tích cực trong những tháng tiếp theo.

Trường hợp S&P 500 tăng hơn 5% trong tháng 1 sau 1 năm ảm đạm, thì chỉ số này bình quân leo dốc 30% trong năm đó. Khi điều này xảy ra với TTCK Mỹ, TTCK thế giới và Việt Nam sẽ nhận được nhiều hỗ trợ. Hiện tại tính hết tháng 1, S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 6,2% và 2,8%, đánh dấu tháng tăng thứ 3 trong 4 tháng.

Phan Dũng Khánh

SGĐTTC

Các tin tức khác

>   REE, PNJ và CNG liệu có khả quan? (13/02/2023)

>   Góc nhìn tuần 13 - 17/02: Theo dõi vùng điểm 1,050 - 1,055 (12/02/2023)

>   Vì sao giá cổ phiếu của ngân hàng có CASA cao lại giảm mạnh hơn? (11/02/2023)

>   Vì sao định giá thị trường tăng mạnh hơn chỉ số VN-Index? (10/02/2023)

>   Góc nhìn 10/02: Chưa quá bi quan? (09/02/2023)

>   Bài toán lợi ích và chi phí của ngân hàng nhận hỗ trợ các TCTD yếu kém  (09/02/2023)

>   Fed tăng lãi suất tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam? (09/02/2023)

>   Không thể chạy nhanh hơn Usain Bolt (09/02/2023)

>   Góc nhìn 09/02: VN-Index có thể sẽ biến động trong vùng 1,054-1,070? (08/02/2023)

>   Góc nhìn 08/02: Vào nhịp phục hồi ngắn hạn? (07/02/2023)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật