Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, CPI tháng 12/2022 giảm 0.1% so với tháng trước
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch COVID-19, Bộ Lao động Mỹ đưa tin trong ngày 12/01/2023.
Trong tháng 12/2022, chỉ số CPI giảm 0.1% so với tháng trước, giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2021, ngay khi phần lớn nước Mỹ rơi vào trạng thái phong tỏa vì COVID-19. Con số này trùng khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Dow Jones.
Tuy vậy, nếu so với cùng kỳ, CPI tăng 6.5%, qua đó cho thấy áp lực chi phí cao kéo dài đang đè nặng lên các hộ gia đình. Tuy nhiên, đây cũng là con số thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0.3% so với tháng trước và tăng 5.7% so với cùng kỳ, cũng bằng với kỳ vọng.
Đà giảm mạnh của giá xăng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy yếu của CPI. Giá tại trụ bơm xăng giảm 9.4% so với tháng trước và giảm 1.5% so với cùng kỳ, sau khi tăng vượt 5 USD/gallon vào giữa năm 2022.
Giá dầu nhiên liệu lao dốc 16.6% so với tháng trước, đóng phần vào mức giảm 4.5% của chỉ số năng lượng.
Giá thực phẩm tiến 0.3% trong tháng 12/2022, trong khi chi phí nhà ở tăng mạnh 0.8% so với tháng trước và tăng 7.5% so với cùng kỳ. Chi phí nhà ở chiếm 1/3 tỷ trọng của chỉ số CPI.
Giá xe đã qua sử dụng – cũng là thành phần quan trọng của lạm phát – giảm 2.5% so với tháng trước và lao dốc 8.8% so với cùng kỳ.
Thị trường phản ứng không quá mạnh trước thông tin về lạm phát, với hợp đồng tương lai Dow Jones tăng nhẹ và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm ở phần lớn kỳ hạn.
CPI là chỉ số lạm phát được theo dõi sát sao nhất vì chỉ số này tính tới diễn biến của mọi hàng hóa, từ giá xăng cho tới trứng và giá vé máy bay.
Tuy nhiên, Fed lại chọn thước đo lạm phát khác có tính tới sự điều chỉnh trong hành vi của người tiêu dùng, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE). Tuy nhiên, cơ quan này thường nhận hàng loạt thông tin khi đo lường lạm phát, CPI là một trong số đó.
Thị trường đang theo dõi chặt chẽ động thái của Fed trong quá trình kéo giảm lạm phát. Đứt gãy chuỗi cung ứng, chiến tranh ở Ukraine và hàng ngàn tỷ USD gói kích thích tài khóa lẫn tiền tệ góp phần thúc đẩy giá cả ở hầu hết lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 4.25 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 15 năm. Các quan chức cũng báo hiệu sẵn lòng nâng lãi suất vượt 5% trước khi tạm dừng để quan sát tác động của chính sách tiền tệ.
Vũ Hạo
FILI
|