Tham vọng thống trị ngành chip của Trung Quốc gặp khó
Nhiều năm qua, Trung Quốc là quốc gia chịu chi nhất thế giới cho các ưu đãi đối với ngành chip, quy mô ngân sách lớn chưa từng thấy ở các nước khác, từ Mỹ tới Nhật Bản. Tuy nhiên, giờ đây, nỗ lực chống lại COVID-19 và đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới đang làm cạn kiệt dần ngân sách nhà nước, buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ lại cách tiếp cận gây tranh cãi này.
Đầu tư nhiều nhưng không hiệu quả
Việc số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại đang cản trở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, buộc Chính phủ nước này phải tạm dừng khoản chi tiêu khổng lồ cho ngành công nghiệp chip trong nước. Trên thị trường mà Mỹ và các đồng minh đang thống trị, các khoản trợ cấp tốn kém của Bắc Kinh cho đến nay mang lại rất ít kết quả, thậm chí dẫn đến một số cuộc điều tra tham nhũng đối với quan chức cấp cao. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang phải tìm cách khác để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chip trong nước.
Sau vài năm gần đây chi ít nhất 100 tỷ USD, việc Bắc Kinh quyết định tạm ngừng ngân sách cho ngành chip đã đặt ra câu hỏi về ý định của Chính phủ đối với một ngành công nghiệp quan trọng không chỉ với trí tuệ nhân tạo, thiết bị tương lai mà còn cả với hệ thống quân sự.
Mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh không thay đổi, đó là đạt được vị thế đứng đầu hoặc ít nhất là sánh ngang với các đối thủ địa chính trị trong hoạt động thiết kế và sản xuất linh kiện quan trọng đối với hầu hết mọi thiết bị trên hành tinh.
Nhưng thay vì cố gắng tái tạo chuỗi cung ứng chip mà phương Tây là trọng tâm, giờ đây Trung Quốc có thể chọn chuyển hướng ngân sách công hạn chế của mình sang các mảng hẹp hơn, như chất bán dẫn cho xe điện, vật liệu mới cho bộ vi xử lý thế hệ tiếp theo và kiến trúc chip mã nguồn mở. Đây đều là những “đấu trường” tương đối mới mẻ và chưa có một quốc gia nào có thể tuyên bố thống trị.
Trong một cuộc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì vào tháng 09/2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã yêu cầu nước này tập trung vào các công nghệ cốt lõi mà Trung Quốc có hoặc có thể đạt được lợi thế.
Brady Wang, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Counterpoint, cho biết: “Việc Trung Quốc cố gắng tái tạo lại toàn bộ chuỗi cung ứng chip toàn cầu mà các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đã mất 4 thập kỷ để xây dựng là điều không thực tế. Trung Quốc chỉ cần đủ mạnh trong một vài lĩnh vực then chốt”.
Đó là chưa kể những thách thức lớn mà Trung Quốc phải đối mặt khi cố gắng vươn lên trong ngành công nghiệp chip trị giá 550 tỷ USD. Washington trong năm 2022 đã khởi động chính sách lớn nhất của mình nhằm ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc. Và họ đã có những thành công ban đầu.
Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về chất bán dẫn đặc biệt gay gắt trong thời kỳ đại dịch COVID-19 – sự kiện đã khiến các quốc gia phải phụ thuộc vào nhau về nguồn cung linh kiện điện tử quan trọng và thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ công nghệ trên toàn thế giới.
Các công ty bán dẫn Trung Quốc đang phải vật lộn để tìm nguồn cung cấp máy móc và phần mềm thiết kế chip tiên tiến nhất. Đôi khi họ không thể làm ăn với các nhà sản xuất chip hợp đồng ở nước ngoài do bị cấm vận theo danh sách đen có từ thời Tổng thống Donald Trump. Nói cách khác, họ có rất ít lựa chọn trong vấn đề này.
Những thị trường ngách tiềm năng
Bắc Kinh từ lâu đã xác định chip là chìa khóa cho an ninh quốc gia của họ. Quốc gia này được dự kiến sẽ có thêm 20 nhà máy sản xuất chip mới trong giai đoạn 2021 – 2023, và đây là sự mở rộng lớn nhất trong tất cả khu vực trên thế giới, theo hiệp hội chip toàn cầu SEMI.
“Đúng là chính quyền các địa phương đang thiếu tiền mặt, song nếu Bắc Kinh muốn hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp chip, họ sẽ tìm được cách để làm điều đó. Hiện vẫn chưa rõ Chính phủ sẽ kết hợp chính sách hỗ trợ như thế nào trong tương lai. Giới hoạch định chính sách có thể đang đánh giá lại chiến lược”, Bao Linghao, chuyên gia phân tích cấp cao về ngành chip của Trivium China, nói.
Lịch sử cho thấy việc leo lên nấc thang công nghệ không chỉ cần sự quyết tâm mà còn có thể thành hiện thực với sự kiên trì bền bỉ.
Vị trí dẫn đầu trong ngành chip đã đổi chủ trong nhiều thập kỷ, phụ thuộc vào việc công ty nào chịu đặt cược vào công nghệ tiên tiến nhất. Các công ty Nhật Bản giành được vị trí dẫn đầu trong những năm 1980 nhờ tập trung vào DRAM, sau đó bị vượt mặt bởi các đối thủ Hàn Quốc – những người chi nhiều hơn cho chip bộ nhớ – và nhà sản xuất thiết bị ASML Holding NV của Hàn Lan với kỹ thuật quang khắc. Trong thập kỷ trước, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan (Trung Quốc) đã vươn lên thành nhà sản xuất chip có giá trị nhất thế giới sau nhiều năm đầu tư vào chip logic tiên tiến trong khi các đối thủ cắt giảm chi tiêu.
Ông Wang của Counterpoint cho biết: “Thành công của TSMC được xây dựng trên nhiều thất bại của họ”.
Song, để có được hành trình như của Nhật Bản và Hàn Quốc, Bắc Kinh có thể phải điều chỉnh chiến lược cũ của họ.
Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ hơn 100 tỷ USD để xây dựng ngành bán dẫn trong nước và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Vào năm 2014, họ đã thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch tích hợp quốc gia với tổng vốn là 330 tỷ nhân dân tệ (48 tỷ USD). Quỹ này đã rót nhiều khoản đầu tư vào các công ty chip hàng đầu như Semiconductor Manufacturing International Corp. và Yangtze Memory Technologies Co.
Tuy nhiên, với tâm lý nguồn vốn không giới hạn đã gây ra sự lãng phí. Năm 2022, cơ quan quản lý Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc điều tra chưa từng có về cáo buộc tham nhũng, bắt giữ một số nhân vật quan trọng nhất trong ngành này. Chính phủ sau đó đã ban hành những quy định hạn chế mới, trong đó các khoản đầu tư cần phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn về lợi nhuận, buộc các cơ quan phải suy nghĩ cẩn trọng hơn về mảng mà họ rót vốn.
Một mảng khả thi hiện nay là kiến trúc bán dẫn mã nguồn mở gọi là RISC-V, thứ được coi là giải pháp thay thế khả dĩ cho sản phẩm đến từ hãng thiết kế chip Arm của Anh. Giới chức Trung Quốc đã công khai ca tụng kiến trúc này và cho rằng nó có thể giúp họ vượt mặt Mỹ. Các công ty công nghệ lớn của nước này, như Alibaba Group Holding và Huawei Technologies Co., đều đã công bố kế hoạch thiết kế chip dựa trên kiến trúc này.
Trung Quốc cũng đã đổ tiền vào các công nghệ chưa được khai thác rộng rãi như chip silicon carbide và gallium nitride, mặc dù họ sẽ mất nhiều năm hoặc hơn thế để ra thành quả. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã coi đó là một con đường khác để vượt qua các vật liệu silicon truyền thống, dù chúng vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.
Bị cắt đứt nguồn cung từ Mỹ, các nhà sản xuất chip Trung Quốc cũng có thể khai phá công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cấp thấp hơn nhưng lại cần thiết đối với công nghệ tương lai như ô tô điện. Ví dụ, các công ty sản xuất chip điện của Trung Quốc sẽ vượt trội so với doanh nghiệp cùng ngành nhờ vào thị trường và chuỗi cung ứng ô tô nội địa rộng lớn của nước này, theo nhận định của nhóm phân tích tại Citibank.
Một chính sách cần có khác là bồi dưỡng nhân tài trong nước. Trong số các biện pháp trừng phạt gần đây nhất, Washington cũng cấm một số người Mỹ làm việc cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc, vì vậy Bắc Kinh cần tìm người thay thế.
“Trong báo cáo của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, đào tạo nhân tài là ưu tiên hàng đầu trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ. Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực do Mỹ đào tạo để dẫn dắt sự phát triển của ngành bán dẫn trong nước. Đó không còn là con đường khả thi sau khi Mỹ tung các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới”, chuyên gia phân tích Bao Linghao của Trivium China cho hay.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|