Tránh bị 'soi', nhiều tập đoàn Trung Quốc cố giấu gốc gác
Quản lý truyền thông của một tập đoàn công nghệ đa quốc gia đang sản xuất thiết bị thông minh ở Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng họ là tập đoàn toàn cầu, không phải của Trung Quốc.
CEO Zoom Eric Yuan đăng bức ảnh trước trụ sở sàn chứng khoán Nasdaq tháng 4/2019 và khẳng định mình là công dân Mỹ. (Ảnh: Reuters)
|
Tài liệu quan hệ công chúng của tập đoàn này khẳng định họ “đặt trụ sở” tại Mỹ, châu Âu và một quốc gia châu Á, nhưng không đề cập tên Thâm Quyến, dù trang web chính thức của họ cho biết Thâm Quyến mới là nơi đặt trụ sở chính. Và công ty này đang lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Được một kỹ sư công nghệ trẻ tuổi thành lập cách đây 5 năm, doanh nghiệp năng lượng xanh này được định giá hơn 1 tỷ USD trên thị trường, dẫn đầu trong lĩnh vực của mình.
Tuy nhiên, quản lý truyền thông của công ty chỉ nhận trả lời phỏng vấn với điều kiện giấu cả tên riêng và tên công ty, do tính nhạy cảm của vấn đề.
Nhãn “Made in China” hay “China-based” từng là niềm tự hào của nhiều doanh nghiệp với tham vọng quảng bá tên tuổi Trung Quốc ra thị trường toàn cầu, nhưng nay dễ khiến các cơ quan quản lý sở tại soi xét và dư luận nghi ngờ.
Phụ trách khu vực của một công ty Trung Quốc khác ở Mỹ cho biết, mục tiêu của công ty hiện nay là tránh gây chú ý càng nhiều càng tốt, trong khi họ đang nỗ lực lèo lái để tránh quy định hạn chế.
Khảo sát do Phòng Thương mại Trung Quốc thực hiện tháng 7/2022 đối với 111 công ty hoạt động tại Mỹ cho thấy “sự lạc quan giảm sút do gián đoạn thương mại kéo dài và môi trường chính sách ngày càng bất định”.
Và khi quan hệ giữa hai nước tiếp tục lao theo vòng xoáy, những quan điểm thiếu tích cực về Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục ở Mỹ, khi có đến 82% người Mỹ bày tỏ quan điểm tiêu cực trong cuộc khảo sát do trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện năm ngoái.
Theo các chuyên gia, dư luận tiêu cực đó khiến một số tập đoàn Trung Quốc muốn “tách khỏi” nước này.
Xóa dấu vết
Những cái tên Trung Quốc gây khó chịu nhất cho giới quản lý Mỹ là Huawei, ZTE và TikTok.
Năm 2020, TikTok chuyển trụ sở sang Singapore. Gần đây, công ty thông báo với các nghị sĩ Mỹ rằng họ đã độc lập với công ty mẹ ByteDance vì đang thuộc quyền điều hành của một công dân Singapore từ văn phòng chính đặt tại quốc đảo.
Trong khi đó, nhiều công ty ít tên tuổi hơn đang cố gắng áp dụng chiến lược xóa tất cả dấu vết liên quan đến tên Trung Quốc.
Từ tháng 3/2022, chi nhánh tại Mỹ của tập đoàn nông nghiệp Trung Quốc Fufeng Group gạt bỏ chỉ trích của các chính trị gia và người dân địa phương ở Grand Forks, bang North Dakota.
Fufeng USA khẳng định họ có “đội ngũ lãnh đạo người Mỹ” và dự án sẽ “sử dụng cây trồng Mỹ, mua ngô Mỹ, sản xuất tại Mỹ và bán ở Mỹ”.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng Fufeng sẽ dùng nhà máy ngô nằm gần sân bay quân sự làm nơi triển khai các hoạt động do thám, dù chính quyền đã chấp thuận dự án này.
Tại bang Ohio, dự án xây nhà máy của công ty công nghệ Thượng Hải Semcorp để sản xuất một bộ phận quan trọng của ắc-quy xe điện đã khiến người dân địa phương khó chịu.
Trong cuộc họp của hội đồng thành phố hồi tháng 4 năm ngoái, một số người dân nói rằng Trung Quốc “không phải bạn của chúng ta”, vì đã “đưa bom và những thứ của họ đến gần chúng ta”, đồng thời chất vấn lý do công ty được cấp phép ở Mỹ.
Tư tưởng chống Trung Quốc gia tăng ở Mỹ ít nhất từ khi ông Donald Trump trở thành tổng thống năm 2017.
Năm 2020, giám đốc điều hành hãng Zoom Eric Yuan, người sinh ra ở tỉnh Sơn Đông, ra tuyên bố khẳng định ông là công dân Mỹ. Yuan nhấn mạnh rằng hãng cung cấp ứng dụng họp trực tuyến này đặt trụ sở tại California và có văn phòng tại 21 quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Trước những nghi ngờ rằng trung tâm nghiên cứu và phát triển của Zoom ở Trung Quốc có thể bị Bắc Kinh sử dụng để do thám, Yuan nói rằng cơ sở đó chỉ phục vụ khách hàng ở đó.
Bình Giang
Tiền phong
|