'Bão sa thải' lan sang năm 2023
Các gã khổng lồ công nghệ tiếp tục công bố sa thải hàng nghìn nhân viên trong những ngày đầu năm 2023. Nhiều CEO thừa nhận đã sai lầm khi tuyển dụng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch.
Theo CNBC, Salesforce vừa thông báo cắt giảm 10% nhân sự và giảm diện tích thuê văn phòng nhằm tái cấu trúc. Tính đến tháng 12/2022, công ty phần mềm Mỹ tuyển dụng hơn 79.000 nhân viên.
Trong một bức thư gửi nhân viên, đồng CEO Marc Benioff cho biết khách hàng đang cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định mua hàng do môi trường kinh tế vĩ mô thách thức. Điều đó khiến Salesforce phải "đưa ra quyết định rất khó khăn" là sa thải nhân viên.
Salesforce vừa thông báo cắt giảm 10% nhân sự và giảm diện tích thuê văn phòng. Ảnh: Reuters.
|
Tuyển dụng ồ ạt trong đại dịch
"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách giải quyết. Khi doanh thu tăng nhanh nhờ đại dịch, chúng ta đã tuyển dụng ồ ạt. Điều đó dẫn tới vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt khi kinh tế suy yếu", ông thừa nhận.
Vị đồng CEO cho biết ông "chịu trách nhiệm cho việc này".
Salesforce sẽ phải chi trả 1-1,4 tỷ USD liên quan tới việc sa thải nhân sự, và 450-650 triệu USD để cắt giảm diện tích thuê văn phòng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/1, giá cổ phiếu của hãng công nghệ Mỹ tăng hơn 3%.
"Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách giải quyết. Khi doanh thu tăng nhanh nhờ đại dịch, chúng ta đã tuyển dụng ồ ạt. Điều đó dẫn tới vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt khi kinh tế suy yếu", ông thừa nhận.
|
Cùng ngày, CEO của Amazon Andy Jassy thông báo sẽ sa thải 18.000 nhân viên. Đây là đợt cắt giảm quy mô lớn hơn dự báo ban đầu. Hồi tháng 11/2022, New York Times cho biết công ty dự kiến cắt giảm 10.000 nhân viên. Trước đó 2 tháng, Amazon thông báo công ty có tổng cộng 1,5 triệu người.
Ông Jassy cho biết các nhân viên sẽ dần bị sa thải kể từ ngày 18/1. Amazon nói rằng sẽ hỗ trợ những người bị ảnh hưởng về các khoản phí, bảo hiểm và giới thiệu việc làm.
Trên thực tế, Amazon là một trong những công ty công nghệ ổn định nhất về mặt tuyển dụng. Quyết định sa thải 18.000 nhân sự, hay thậm chí là 10.000 việc làm như dự báo ban đầu, sẽ là đợt cắt giảm lớn nhất của Amazon từ trước đến nay.
Trong thời kỳ đại dịch, các lệnh phong tỏa trong thời kỳ đại dịch khiến người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà. Họ dành nhiều thời gian mua hàng trực tuyến, sử dụng mạng xã hội và chơi game nhiều hơn.
Để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, các công ty công nghệ đã tuyển dụng ồ ạt. Riêng Amazon thuê thêm hàng trăm nghìn lao động để xử lý lượng công việc tăng vọt. Công ty thậm chí còn tặng tiền cho những người lao động mới.
Buộc phải cắt giảm chi tiêu
Nhưng khi dịch Covid-19 qua đi, mọi người trở lại văn phòng và dành nhiều thời gian ở ngoài hơn, mức độ tương tác trên các nền tảng công nghệ giảm đi và kéo tụt doanh thu. Những đế chế công nghệ - vốn đã mở rộng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch - giờ cần ít nhân viên hơn để quản lý các nền tảng.
Các công ty công nghệ từng cho rằng đại dịch sẽ làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng vĩnh viễn, ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi. Nhưng họ đã nhầm.
Tồi tệ hơn, nền kinh tế toàn cầu đang phát đi những tín hiệu về một cuộc suy thoái. Nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu đã đi xuống.
Triển vọng kinh tế xấu đi và sức mua giảm xuống khiến người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu.
CEO của Amazon Andy Jassy thông báo sẽ sa thải 18.000 nhân viên. Ảnh: Reuters.
|
Vài ngày sau khi Elon Musk - ông chủ mới của Twitter - sa thải một nửa lực lượng lao động, Meta - công ty mẹ của Facebook cắt giảm kỷ lục 13% việc làm. Các gã khổng lồ công nghệ như Lyft, HP và DoorDash cũng sa thải hàng loạt nhân viên.
Nhóm phân tích tại Piper Sandler - đứng đầu là chuyên gia Brent Bracelin - ước tính rằng việc cắt giảm có thể tiết kiệm cho Salesforce 1,5 tỷ USD chi phí hoạt động mỗi năm, thậm chí hơn, và mở rộng biên lợi nhuận hoạt động từ 21% lên 26%.
Công ty muốn thúc đẩy lợi nhuận thông qua chi tiêu hiệu quả hơn. Salesforce cũng đã tuyển dụng ráo riết trong thời kỳ đại dịch.
Trong một hồ sơ tháng 12, công ty cho biết số lượng nhân viên đã tăng 32% kể từ tháng 10/2021 "nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tăng cao".
Thảo My
ZING
|