141 tỷ USD trái phiếu bất động sản của Trung Quốc sẽ đến hạn trong năm 2023
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đối mặt với áp lực trả lãi khi 958 tỷ Nhân dân tệ (141 tỷ USD) trái phiếu đến hạn trong năm 2023, theo dữ liệu từ China Index Academy.
Con số này cao hơn 70 tỷ Nhân dân tệ so với năm 2022, Liu Shui, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại China Index Academy, cho biết trong báo cáo ngày 09/01/2023. Lượng trái phiếu phát hành bằng nội tệ chiếm gần 2/3 tổng lượng trái phiếu.
Trong quý 1/2023, khoảng 263 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu của các công ty bất động sản sẽ đến hạn. Trong số đó, có gần 40 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu nội tệ và 70 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu bằng ngoại tệ được đánh giá là rủi ro hoặc là đang trong trạng thái căng thẳng, báo cáo từ China Index Academy cho biết.
“Vẫn còn đó rủi ro vỡ nợ với các công ty bất động sản. Họ đối mặt với áp lực trả lãi ngày càng cao, trong khi doanh số bán nhà có thể không phồi phục ổn định”, Liu cho biết. “Một số nhà phát triển bất động sản nhận được hỗ trợ tài chính khá hạn chế từ các cơ quan điều hành, do đó họ vẫn có rủi ro vỡ nợ”.
Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã chìm trong khủng hoảng thanh khoản trong hơn 1 năm qua, do doanh số bán nhà giảm mạnh và các kênh huy động vốn bị tắc nghẽn do các động thái của Chính phủ.
Cuộc khủng hoảng thanh khoản đẩy các công ty bất động sản vào tình thế căng thẳng tài chính chưa từng có, và buộc nhiều công ty vỡ nợ hoặc tái cấu trúc khoản nợ.
Trong năm 2022, các công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ với 149.6 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu nội tệ và 30 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ, tương ứng gấp 2.5 và 3.5 lần so với năm 2021, các chuyên viên phân tích tại GF Securities cho biết trong báo cáo ngày 09/01/2023.
Ba công ty bất động sản bị vỡ nợ trái phiếu nội tệ lớn nhất bao gồm China Evergrande Group, Yango Group và Sunac China Holdings. Trên thị trường trái phiếu ngoại tệ, 26 công ty bất động sản vỡ nợ, trong đó Sunac và Evergrande vỡ nợ lớn nhất.
Chính quyền Trung Quốc gần đây đã công bố một loạt biện pháp để giúp các công ty bất động sản, nhất là những công ty có rủi ro nợ thấp hơn, bổ sung vốn thông qua các khoản vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Đây là một phần trong các động thái hỗ trợ nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Các biện pháp này bao gồm chương trình hỗ trợ phát hành trái phiếu do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, hạn mức cho vay mới để hỗ trợ các dự án chưa hoàn thành và nới lỏng cơ chế cho vay để khuyến khích các ngân hàng giúp các công ty trả nợ trái phiếu bằng USD.
Các biện pháp này dường như đang phát huy hiệu quả, ít nhất là đối với các công ty bất động sản lớn nhất. Trong tháng 12/2022, 100 công ty bất động sản lớn đã huy động được 101.8 tỷ Nhân dân tệ, cao hơn 84.7% so với tháng 11 và 33.4% so với cùng kỳ, theo dữ liệu do công ty tư vấn CRIC công bố vào ngày 07/01/2023. Phần lớn lượng vốn này được huy động trên thị trường trái phiếu trong nước, đạt 83.3 tỷ Nhân dân tệ, tăng 83.4% so với cùng kỳ.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|