Xuất nhập khẩu năm 2022 lập kỷ lục khi đạt khoảng 732 tỷ USD
Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới với hơn 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Xuất khẩu cá tra năm 2022 dự kiến lập kỷ lục trên 2,4 tỷ USD. Ảnh minh họa
|
Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới
Bộ Công Thương cho biết, dự kiến cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10.5%, đạt khoảng 371.5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%).
Có thể thấy, xuất nhập khẩu năm 2022 ghi nhận nhiều cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại vượt 700 tỷ USD, bên cạnh đó là con số xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”. Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), đặc biệt, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).
Năm 2022, “câu lạc bộ xuất khẩu 10 tỷ USD” kết nạp thêm ngành thủy sản, nâng số lượng thành viên của câu lạc bộ này lên con số 8. Đáng chú ý, ngành này cũng chỉ cần 11 tháng để đạt được cột mốc lịch sử. Ước tính, kết quả xuất khẩu cả năm của ngành này có thể vượt 11 tỷ USD và tăng hơn 2 tỷ USD so với năm 2021. Trong “câu lạc bộ 10 tỷ USD”, ngành gỗ và sản phẩm gỗ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đến hết tháng 11 vẫn đạt giá trị 14.6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Ấn tượng không kém ngành thủy sản là lĩnh vực xuất khẩu cà phê khi hết tháng 11, mặt hàng này đã đạt gần 1.7 triệu tấn, tương đương giá trị 3.5 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2021. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu kỷ lục của ngành này.
Cùng với thủy sản, cà phê, xuất khẩu gạo cũng về đích sớm khi mới qua 11 tháng đã đạt sản lượng gần 6.7 triệu tấn, tương đương giá trị 3.2 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng và tăng 7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Năm 2023 ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD. Ảnh: Báo Công Thương
|
Doanh nghiệp tự tin bước vào năm mới
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ước tính, kết thúc năm 2022, sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước sẽ đạt khoảng 7 triệu tấn với trị giá ước tính khoảng 3.5 tỷ USD. Đây là con số mà ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA phải nói rằng, "những người làm trong ngành như chúng tôi không ai nghĩ sẽ đạt".
Nhận định về triển vọng của ngành lúa gạo trong năm 2023, một doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu gạo dự báo sẽ thuận lợi bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu thu mua lương thực tăng lên.
Về dệt may - với vai trò là ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng tự tin: "Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD".
Ông Giang còn khẳng định "hoàn toàn có đủ cơ sở để đặt ra mục tiêu này". Bởi, trong bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu, để thích nghi, các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu chuyển đổi cơ sấu sản xuất từ dệt kim sang dệt thoi. Doanh nghiệp cũng đã và đang tìm hướng sản xuất các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh.
Cùng với đó, ngành dệt may cũng hướng đến việc đa dạng hóa các thị trường. Một số thị trường như khối Liên Xô cũ, châu Phi, Trung Đông trước đây doanh nghiệp không quan tâm nhiều thì giờ đã quan tâm hơn. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hiện cũng là một thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam.
Cũng theo ông Vũ Đức Giang, ngoài các giải pháp về nguồn tài chính, lãi suất thấp thì Chính phủ và các bộ, ngành, năm nay cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp. Đặc biệt, về lãi suất ngân hàng, Nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động. Điều này sẽ tạo động lực cho năm tới, doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu các đơn hàng khi nhu cầu thị trường hồi phục trở lại.
Nhật Quang
FILI
|