Thứ Bảy, 24/12/2022 17:25

Năm 'thăng hoa' của xuất khẩu cá tra

Năm 2022, con cá tra mang về nhiều niềm vui cho người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Ngành thủy sản Việt Nam vừa tổ chức ăn mừng xuất khẩu thủy sản đạt mức kỷ lục 10 tỉ USD, mức cao nhất của ngành từ trước đến nay.

Dự kiến kết thúc năm nay, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỉ USD, tăng 25% so với năm ngoái.

Cá tra nổi bật nhất trong nhóm thủy sản

Đáng chú ý, trong ngành hàng thủy sản, cá tra là mặt hàng xuất khẩu thăng hoa nhất: Dự kiến hết năm sản lượng cá tra đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu ước tính trên 2,4 tỉ USD, đỉnh cao nhất trong lịch sử phát triển của ngành hàng cá tra.

Nông dân, doanh nghiệp đều có lời

Số liệu của VASEP cho thấy giá trung bình xuất khẩu cá tra phi lê năm nay tăng 28%-66% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng.

Giá thu mua cá nguyên liệu trong năm 2022 duy trì mức 27.000-29.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giữ ở mức 30.000-31.000 đồng/kg, cao hơn trung bình khoảng 7.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Với mức giá như trên, các doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi.

Năm 2023, ngành cá tra dự kiến diện tích thả nuôi phát sinh trong năm đạt 5.600 ha; sản lượng cá tra thương phẩm dự kiến đạt 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,3 tỉ USD.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chia sẻ ngành hàng cá tra có nhiều thăng trầm. Thống kê cho thấy năm 1997 xuất khẩu cá tra mới được 1,6 triệu USD nhưng chỉ một năm sau đã tăng mạnh lên 9,23 triệu USD.

Những năm 2003-2008, các nhà máy chế biến, diện tích nuôi, cơ sở chế biến thức ăn cho cá tra cũng tăng lên nhanh chóng. Trong vòng 10 năm, từ năm 1998 đến 2008, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã vượt mốc 1 tỉ USD.

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, từ năm 2008, ngành hàng cá tra liên tiếp gặp khó khăn với các rào cản về thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn (tại Mỹ)… Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

“Giai đoạn này, tốc độ phát triển của cá tra gặp nhiều trở ngại, giá cá tra thăng trầm lúc cao, lúc thấp. Thời điểm năm 2014-2015, có những chủ hộ chia sẻ ngân hàng không dám cho vay vốn nữa. Nhưng sau giai đoạn dịch COVID-19, đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, đạt xấp xỉ 2,4 tỉ USD” - ông Luân chia sẻ.

Có được kết quả trên, theo Tổng cục Thủy sản, là do nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40% đến 200%. Không chỉ vậy, giá xuất khẩu cá tra thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực.

Vẫn còn nhiều thách thức

Mặc dù xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng lập kỷ lục nhưng vài tháng gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu sụt giảm. Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, thông tin xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu chững lại từ quý IV-2022 và xu hướng này có thể kéo dài sang quý I, thậm chí hết nửa đầu năm 2023.

Nguyên nhân chính là do lạm phát tăng cao đã ngấm sâu vào thói quen của người tiêu dùng ở nhiều nước. Do đó, lượng đơn hàng sẽ giảm sâu, thậm chí một số doanh nghiệp nhỏ không có đơn hàng. Hy vọng nửa cuối năm 2023, khi kinh tế thế giới hồi phục nhất định thì nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại.

Bên cạnh những khó khăn, Tổng cục Thủy sản đưa ra những tín hiệu thuận lợi trong năm 2023. Chẳng hạn, nếu Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, nhu cầu thực phẩm bao gồm cá tra có thể sẽ được cải thiện và đây là cơ hội cho Việt Nam.

Dự kiến hết năm kim ngạch xuất khẩu ước tính trên 2,4 tỉ USD, cao nhất trong lịch sử phát triển của ngành hàng cá tra. Ảnh: GIA THUỆ

“Ngành hàng cá tra vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong những năm tới đây. Hiện nay, cơ bản các cơ sở nuôi cá tra đã truy xuất được nguồn gốc, các tổ chức liên kết trong chuỗi ngành hàng cá tra tương đối tốt so với các ngành hàng khác. Và đặc biệt, từ con cá tra vẫn có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Hiện nay, chúng ta đang tập trung nhiều vào phi lê nhưng với sản lượng cá tra của ta hiện nay thì tôi tin có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, nhiều sản phẩm chế biến hấp dẫn hơn nữa” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cũng cùng đánh giá hiện chúng ta có gần 100 cơ sở chế biến cá tra, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Công nghiệp chế biến của nhiều doanh nghiệp cơ bản đều ở trình độ cao, ngang tầm quốc tế. Hiện một số nước cũng có những sản phẩm cá tra tương đồng như của ta nhưng đây cũng là cơ hội để ta nhìn nhận lại để có những bước phát triển tiếp theo của ngành hàng này.

Cạnh đó, có một hạn chế cần có giải pháp để khắc phục đó là việc tận dụng các phụ phẩm của con cá tra. Hiện nay, ta mới tận dụng chế biến được dầu cá, bột cá, collagen… còn máu cá vẫn chưa được chế biến. Nếu có thể nghiên cứu, chế biến, tận dụng nguồn phụ phẩm này sẽ góp phần giúp khai thác hiệu quả kinh tế từ cá tra; đồng thời góp phần xây dựng nền nông nghiệp của Việt Nam theo hướng tuần hoàn, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

“Về thị trường, hiện ngành hàng cá tra mới chú trọng vào xuất khẩu với tỉ trọng chiếm đến 65%-70%. Thị trường trong nước vẫn đang bị bỏ ngỏ, nhất là thị trường miền Bắc, lượng tiêu thụ không đáng kể. Nếu khắc phục được những điểm nghẽn này thì ngành hàng cá tra sẽ có thêm một kênh tiêu thụ mới đầy tiềm năng” - ông Toản nói.

Nhiều giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung - cầu; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị; sử dụng hiệu quả phụ phẩm cá tra.

Bên cạnh đó, cần phát triển thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu dùng nội địa.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tính trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, tỉ lệ phi lê, chịu mặn...; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm.

AN HIỀN

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Điều tra các gói thầu liên quan chống dịch có dấu hiệu ‘thổi giá’ gần 80 tỷ tại TPHCM (24/12/2022)

>   Công ty AIC đồng ý bồi thường 152 tỷ đồng vụ 'thông thầu' tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (24/12/2022)

>   10 sự kiện nổi bật ngành hải quan năm 2022 (24/12/2022)

>   Ngành Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022 (23/12/2022)

>   TP.HCM điểm tên loạt đơn vị 'có tiền nhưng không tiêu được' (23/12/2022)

>   Thủ tướng hy vọng Samsung sớm sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam (23/12/2022)

>   Điện gió phải dừng vận hành do gió mùa đông bắc hoạt động quá mạnh (23/12/2022)

>   VNPT lãi hơn 6,600 tỷ đồng năm 2022 (23/12/2022)

>   2 kịch bản, 5 giải pháp cho xuất khẩu dệt may trong giai đoạn 2023 – 2025 (23/12/2022)

>   Thấy gì từ việc chủ tịch Samsung tới Việt Nam (23/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật