Thứ Ba, 27/12/2022 13:00

Khi nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam

Cách đây vài năm, khi nói đếm ẩm thực Nhật Bản, người ta thường nghĩ đến những nhà hàng xa xỉ trên những con phố đắt đỏ ở trung tâm các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội. Ngày nay, nhắc đến ẩm thực xứ sở mặt trời mọc, không khó bắt gặp những cửa hàng ăn uống phục vụ các món truyền thống Nhật Bản ở những con đường đông đúc dân cư tại bất kỳ quận huyện nào, thậm chí là những cửa hàng ăn uống đường phố.

Sức hút khó cưỡng của ẩm thực Nhật Bản đã len lỏi vào con người và văn hóa Việt Nam. Chỉ với những nguyên liệu thực phẩm đơn giản nhưng bằng cách chế biến đầy tâm huyết của người đầu bếp đã mang những tinh hoa, tinh túy, tinh tế của từng món ăn đến thực khách.

Có thể thấy, dù chỉ là văn hóa ăn uống, điều đó lại phản ánh một góc cạnh không hề nhỏ về những giá trị tinh thần, thậm chí là vật chất mà nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đóng góp cho Việt Nam bấy lâu nay.

Không khỏi tự hào khi Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên của vị Thủ tướng thứ 100 của Nhật, sau khi ông nhậm chức. Chuyến thăm đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong năm 2022.

Trên trang Modern Policy, tiến sĩ Pankaj Jha - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh, Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Toàn cầu OP Jindal, Ấn Độ - cho rằng Việt Nam và Nhật Bản được coi là những đối tác tự nhiên trong việc thúc đẩy an ninh khu vực, thương mại và đầu tư, đổi mới và nghiên cứu, cũng như thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

2023 sẽ đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, 20 năm Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Năm 2022 đánh dấu 30 năm Nhật Bản là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Đến nay, tổng vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam đạt khoảng 30 tỷ USD.

Dòng vốn ODA của Nhật đã để lại dấu ấn ở hàng loạt công trình trọng điểm trên khắp đất nước Việt Nam. Có thể kể đến như Nhà ga số 2 tại sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân, cầu Cần Thơ, đường vành đai 3 Hà Nội, tuyến metro số 1 TPHCM, nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn Thanh Hóa, cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Đối với dòng vốn FDI, Nhật Bản - bằng thế mạnh công nghệ hiện đại, được xem là một trong những đối tác đóng góp tích cực vào hoạt động đầu tư trực tiếp vào Việt Nam thông qua quá trình chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý.

Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong số 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam 11 tháng đầu năm 2022, Nhật Bản đã vượt Hàn Quốc để đứng thứ 2 với hơn 4.6 tỷ USD, chiếm 18.3% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Riêng dự án được cấp phép mới tại Việt Nam 11 tháng đầu năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 3.23 tỷ USD, chiếm hơn 28% tổng vốn đăng ký mới. Đáng chú ý, trong năm 2021, khi Việt Nam vẫn đang chiến đấu với đại dịch COVID-19, Nhật Bản là quốc gia duy nhất tăng vốn đầu tư trong bối cảnh những đối tác lớn khác như Singapore, Hàn Quốc có xu hướng giảm.

Sau nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tính trong 11 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại giữa hai nước đạt 43.8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, trong số các công ty Nhật Bản (có trụ sở chính tại Nhật) đang hoạt động ở nước ngoài, có tới 46% doanh nghiệp đang cân nhắc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ Việt Nam là thị trường đang được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Bên cạnh đó, từ khảo sát 1,800 doanh nghiệp Nhật đầu tư tại nước ngoài trong năm tài chính 2022, có gần 60% doanh nghiệp dự báo sẽ có lãi trong hoạt động kinh doanh.

Nền kinh tế Việt Nam có được sự phủ sóng của những tập đoàn lớn từ xứ sở mặt trời mọc. Từng dòng xe nườm nượt trên đường phố, cứ 10 chiếc xe máy thì có đến 9 chiếc từ hai thương hiệu Nhật là Honda và Yamaha lăn bánh. Hay nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon Mall khi bước chân vào Việt Nam đã định hình và mang đến văn hóa tiêu dùng hiện đại cho người Việt. Từ 1 đại siêu thị vào năm 2014, đến nay nhà bán lẻ hơn 260 tuổi này đã có 6 đại siêu thị và dự kiến tăng lên 16 vào 2025.

Người tiêu dùng Việt (trưởng thành) chắc hẳn ai cũng từng dùng qua một trong những sản phẩm của Acecook Việt Nam - Công ty con của Tập đoàn Acecook Nhật Bản, như mì tôm Hảo Hảo, phở Đệ Nhất, miến Phú Hương, hủ tiếu Nam Vang… Năm 2021 đánh dấu 4 năm liền Acecook được bình chọn là nhà sản xuất mì ăn liền được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam (theo khảo sát của Kantar Worldpanel Division - Household Panel).

Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư tại Việt Nam có thể kể đến như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; bất động sản; xây dựng; vận tải, kho bãi; thông tin và truyền thông; dịch vụ lưu trú và ăn uống; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; giáo dục và đào tạo…

Giới doanh nghiệp Nhật đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn thứ hai sau Mỹ. Việc duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, dân số trẻ được xem là những yếu tố tạo sức hút đối với giới đầu tư Nhật.

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội nhận xét Việt Nam là nước có dân số trẻ, nguồn nhân lực dồi dào; Chính phủ và chính quyền Việt Nam năng động, nhiệt tình và các khu công nghiệp của Việt Nam hiện đang phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam còn cần cải thiện về hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong những năm gần đây, làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam có thể thấy rõ nét qua dòng vốn vào thị trường bất động sản.

Đơn cử là CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) hợp tác cùng 2 nhà đầu tư Nhật - Hankyu Hanshin Property Corp và Nishitetsu Group để phát triển các dự án như Kikyo Residence, Flora Anh Đào, Fuji Residence, Izumi City, Mizuki Park, Waterpoint…

Năm 2016, Tập đoàn Indochina Capital kí kết với Kajima (nhà thầu và phát triển bất động sản lớn nhất Nhật Bản) thành lập liên doanh Indochina Kajima Development với tỷ lệ đóng góp mỗi bên 50% và tổng vốn đầu tư cam kết 1 tỷ USD trong 10 năm. Năm 2021, liên doanh này khởi công dự án nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Nồm, khai trương Wink Hotels (thương hiệu khách sạn tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ra đời tại Việt Nam dành cho người Việt) tại trung tâm Sài Gòn.

Tập đoàn Mitsubishi chi 290 triệu USD để cùng Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh phát triển nhà ở tại khu đô thị phức hợp The Manor Central Park (Hà Nội). Liên Doanh giữa Công ty Thiên Đức (Việt Nam) & Maeda Jimusho (Nhật Bản) phát triển dự án Waterina tại thành phố Thủ Đức, TPHCM. CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) và Quỹ Creed Group (Nhật Bản) góp vốn vào dự án River City, quận 7, TPHCM, quy mô 500 triệu USD.

Tập đoàn Danh Khôi cùng 3 đối tác Nhật - Sanei Architecture Planning, G-7 Holdings INC và Anabuki triển khai nhiều dự án bất động sản, phát triển chuỗi thương mại bán lẻ.

Tập đoàn BRG và Sumitomo (Nhật Bản) bắt tay mở chuỗi siêu thị Fujimart, phát triển dự án thành phố thông minh 4 tỷ USD tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Không riêng bất động sản, mảng ngân hàng cũng đón nhận những ông lớn Nhật Bản như Sumitomo Mitsui Banking Corp (SMBC) từng chi 225 triệu USD mua 15% cổ phần Eximbank, 1.37 tỷ USD để mua 49% vốn FE Credit, MUFG Bank rót 743 triệu USD để sở hữu 20% cp VietinBank, Aozora Bank nắm 15% cổ phần OCB - thương vụ ước tính 139 triệu USD, Mizuho chi 562 triệu USD để mua 15% vốn Vietcombank…

Cách đây vài năm, nhiều người ắt hẳn còn nhớ hình ảnh tại cây xăng Idemitsu Q8, KCN Thăng Long, Hà Nội, một ông chủ người Nhật cùng nhân viên đứng cúi chào từng từng khách hàng ngay dưới mưa để cảm ơn họ đã sử dụng dịch vụ của công ty. Điều này để lại ấn tượng không nhỏ về văn hóa kinh doanh đầy trách nhiệm của người Nhật.

Thu Minh - Thiết kế: Tuấn Trần, TM

FILI

Các tin tức khác

>   Ngàn tỷ đầu tư công, hỗ trợ phục hồi 'đắp chiếu' (26/12/2022)

>   Điểm loạt sai phạm của ông lớn xăng dầu: Mua bán kiểu ‘chở củi về rừng’ (26/12/2022)

>   Xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Quy trình 70 bước từ tiếp cận đến hối lộ hàng chục tỉ đồng (25/12/2022)

>   Thưởng Tết 2023: Nơi tăng cao, nơi giảm sâu (25/12/2022)

>   Năm 'thăng hoa' của xuất khẩu cá tra (24/12/2022)

>   Điều tra các gói thầu liên quan chống dịch có dấu hiệu ‘thổi giá’ gần 80 tỷ tại TPHCM (24/12/2022)

>   Công ty AIC đồng ý bồi thường 152 tỷ đồng vụ 'thông thầu' tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (24/12/2022)

>   10 sự kiện nổi bật ngành hải quan năm 2022 (24/12/2022)

>   Ngành Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022 (23/12/2022)

>   TP.HCM điểm tên loạt đơn vị 'có tiền nhưng không tiêu được' (23/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật