Thứ Hai, 26/12/2022 10:10

Ngàn tỷ đầu tư công, hỗ trợ phục hồi 'đắp chiếu'

Hiện chỉ còn hơn 1 tháng để giải ngân đầu tư công năm 2022, và còn rất ít ngày cho việc chuẩn bị giao vốn kế hoạch năm tới. Dù vậy, các phần việc của đầu tư công vẫn còn rất bộn bề, khi tiến độ giải ngân năm nay mới đạt hơn 58% (tính đến cuối tháng 11), các chính sách trong chương trình phục hồi giải ngân vẫn còn chậm.

Loay hoay

Dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng đến cuối tháng 11, vẫn còn hơn 240.000 tỷ đồng (hơn 41% kế hoạch) đầu tư công cần được tiêu. Đã đến tháng cuối năm 2022, nhưng theo số liệu từ Bộ Tài chính, vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2022 vẫn còn 24.424 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết. Trong đó, 4 bộ và 5 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao, tính riêng TPHCM chiếm đến trên 90% số vốn nằm chờ.

Nhiệm vụ giải ngân 700.000 tỷ đồng đầu tư công năm 2023 là rất nặng nề. Ảnh: Như Ý

Trong khi giải ngân đầu tư công năm 2022 khó cán đích như kỳ vọng, kế hoạch vốn của năm 2023 Quốc hội đã thông qua tiếp tục tăng 25%, với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng. Về chương trình phục hồi, Bộ KH&ĐT có dự thảo tờ trình giao danh mục, vốn đợt 2 cho 28.862 tỷ đồng. Năm 2023, cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc chương trình phục hồi.

Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới đạt hơn 71.500 tỷ đồng. Trong khi đó, số vốn đã giao từ chương trình phục hồi là 147.000 tỷ đồng. Như gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động 6.600 tỷ đồng, hết hạn vào tháng 8, nhưng vẫn còn 21 tỉnh chưa làm xong, với 2.800 tỷ đồng chưa thực hiện.

Với chính sách cấp bù 2% lãi suất, theo kế hoạch, các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay chỉ riêng trong năm 2022, tương đương số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, các ngân hàng thương mại mới thực hiện hỗ trợ lãi suất 45 tỷ đồng cho dư nợ 21.000 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, những điểm nghẽn của đầu tư công là vấn đề muôn thuở, giới phân tích nhiều lần góp ý nhưng tình hình xoay chuyển không đáng kể. Với chương trình phục hồi, cụ thể là gói cấp bù 2% lãi suất đang thực hiện kém hiệu quả, ông Ánh cho rằng, không nên gò ngân hàng, doanh nghiệp vào chính sách bất hợp lý.

Ông Ánh nhắc lại bài học từ gói cấp bù 4% lãi suất 12 năm trước, nhiều khoản vay không đúng đối tượng, không đúng mục đích, tiền ngân sách nhà nước đã đổ vào chứng khoán, bất động sản, thậm chí có những doanh nghiệp đi vay rồi mang chính số tiền đó gửi lại ngân hàng để hưởng lợi.

Đến nay, nhiều ngân hàng vẫn chưa giải quyết xong hậu quả từ gói cấp bù trước đây. Ông Ánh khuyến nghị chuyển nguồn cấp bù 2% lãi suất sang gói hỗ trợ khác.

Thách thức 700.000 tỷ đồng cho năm 2023

Bộ KH&ĐT thừa nhận, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong đó, có nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm, nhưng chưa xử lý dứt điểm: như giải phóng mặt bằng chậm; lập kế hoạch vốn chưa sát thực tế; khả năng giải ngân, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt. Cùng đó, năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế. Vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ.

Ngoài ra, một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói rằng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023 đặt ra rất nặng nề. Để thúc đẩy giải ngân, toàn hệ thống phải gấp rút chuẩn bị để từ nay tới cuối năm có thể giao kế hoạch vốn năm 2023, theo đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên.

Ông Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay những bất cập đã phát hiện trong năm 2022.

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, 39 dự án của chương trình phục hồi, với số vốn dự kiến hơn 10.720 tỷ đồng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đây là các dự án được giao cho Bộ Y tế và 16 địa phương. 3.432 tỷ đồng vốn của chương trình cũng chưa đủ điều kiện để thông báo vốn.

Việt Linh

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Điểm loạt sai phạm của ông lớn xăng dầu: Mua bán kiểu ‘chở củi về rừng’ (26/12/2022)

>   Xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC: Quy trình 70 bước từ tiếp cận đến hối lộ hàng chục tỉ đồng (25/12/2022)

>   Thưởng Tết 2023: Nơi tăng cao, nơi giảm sâu (25/12/2022)

>   Năm 'thăng hoa' của xuất khẩu cá tra (24/12/2022)

>   Điều tra các gói thầu liên quan chống dịch có dấu hiệu ‘thổi giá’ gần 80 tỷ tại TPHCM (24/12/2022)

>   Công ty AIC đồng ý bồi thường 152 tỷ đồng vụ 'thông thầu' tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (24/12/2022)

>   10 sự kiện nổi bật ngành hải quan năm 2022 (24/12/2022)

>   Ngành Công Thương công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2022 (23/12/2022)

>   TP.HCM điểm tên loạt đơn vị 'có tiền nhưng không tiêu được' (23/12/2022)

>   Thủ tướng hy vọng Samsung sớm sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam (23/12/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật