Lý do nới room tín dụng thêm 1,5-2% toàn hệ thống ngân hàng
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, việc nới hạn mức tín dụng tăng 1,5-2% sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển trong năm 2023 - năm được đánh giá và dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội.
Ngày 8/12, chia sẻ về việc Ngân hàng Trung ương (NHTW) vừa điều chỉnh hạn mức tín dụng năm 2022 tăng khoảng 1,5-2% trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, mặc dù chỉ còn gần một tháng là kết thúc năm kế hoạch 2022, song sự điều chỉnh này đặc biệt tạo tâm lý tích cực đối với thị trường, tiếp tục củng cố niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp để mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là dịp Tết.
“Việc điều chỉnh này đồng thời tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển trong năm 2023, năm được đánh giá và dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội” - ông Lệnh nói.
Doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh khi ngân hàng được nới tín dụng
|
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, về mặt chính sách và điều hành chính sách, ngân hàng Trung ương (NHTW) kiên định mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đặt trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động không tích cực, diễn biến phức tạp và khó lường do lạm phát, suy giảm kinh tế tại một số quốc gia và khu vực trên thế giới, lãi suất tăng và nhiều đồng tiền mạnh mất giá.
Tuy nhiên, khi thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định trong điều kiện mới và xuất hiện những yếu tố tích cực, việc NHTW điều chỉnh hạn mức tín dụng sẽ tiếp tục tác động tốt đến tâm lý thị trường, củng cố niềm tin doanh nghiệp đối với chính sách của NHTW từ định hướng điều hành và ban hành chính sách đến hành động cụ thể.
Có những thời điểm NHTW điều chỉnh các công cụ chính sách như lãi suất; tỷ giá; hạn mức tín dụng… không ngoài mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là mục tiêu kép, là nhiệm vụ hết sức quan trọng của NHTW. Song về mặt thị trường, những điều chỉnh này cũng tạo ra yếu tố tâm lý nhất định từ doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, những khó khăn phát sinh chỉ mang tính ngắn hạn, những giải pháp của NHTW trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ là cơ sở để củng cố vững chắc hơn sự ổn định lâu dài của thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thực hiện tốt các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Kết quả kinh tế - xã hội đất nước nói chung và TPHCM nói riêng (dự ước năm 2022) đã và đang phản ánh trực tiếp hiệu quả chính sách và nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngân hàng.
“Thời gian qua, các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được thông qua và thực hiện tốt các chương trình tín dụng; chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Đảm bảo đưa chính sách đi vào thực tế cuộc sống; cũng như tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát đảm bảo dòng vốn tín dụng đi đúng địa chỉ và phát huy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, NHTW và UBND TPHCM” - ông Lệnh cho biết.
Uyên Phương
Tiền phong
|