Nới room tín dụng thêm 1,5-2%: Doanh nghiệp như được tiếp thêm oxy
Nới room từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được đánh giá là động thái kịp thời, tích cực với nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này sẽ không tạo ra sự bùng nổ với một thị trường cụ thể nào đó.
Giúp doanh nghiệp “vượt cạn”
Theo phản ánh từ một số doanh nghiệp (DN), thời gian qua, giá cả tất cả các mặt hàng tăng và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, xuất khẩu của DN. Trong khi, để duy trì sản xuất, DN cần vốn thì không thể vay được vốn từ ngân hàng. “Việc nới room tín dụng như tiếp thêm oxy cho DN. Trước thực tế khó khăn đó, DN cần có những chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất ngân hàng, ân hạn, giãn nợ, không giới hạn cho vay của ngân hàng, đồng thời có giải pháp bình ổn giá cả nguyên vật liệu, giá cước vận chuyển để giúp DN ổn định sản xuất”, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Việt (Bình Dương) chia sẻ.
Các doanh nghiệp tại Bình Dương mong chờ được vay vốn để giảm bớt khó khăn. Ảnh: Hương Chi
|
Bà Trần Thị Thanh, Phó giám đốc Công ty CP Phát triển Bình Dương cho biết, thời gian qua, hầu hết các ngành nghề đều gặp khó khăn, trong đó có lĩnh vực chế biến gỗ của mình. Cụ thể: Giá nguyên liệu sản xuất, cước vận chuyển đồng loạt tăng mạnh dẫn đến nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. “Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu tỉ lệ đơn hàng xuất khẩu cũng giảm hẳn. Trong khi đó, các DN khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Chúng tôi cần vốn để phát triển và giữ chân lao động”, bà Thanh nói.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (TPHCM) cho biết, DN đang rơi vào thế “kẹt giữa hai đầu”, gồm đầu vào từ các trang trại chăn nuôi và đầu ra là các kênh bán lẻ. Trước đây, khách hàng của công ty thanh toán rất tốt còn hiện nay nợ quá hạn đã tăng đến 30%. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng không còn room tín dụng, DN chưa thể vay vốn ngân hàng hoặc kênh ưu đãi khác và có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu không có giải pháp gọi vốn bổ sung từ các cổ đông, công ty sẽ gặp khó trong duy trì hoạt động.
Theo Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mebipha Lâm Thúy Ái, Công ty chuyên sản xuất thuốc thú y, thủy sản tại TPHCM (DN có hạn mức vay của 2 ngân hàng thương mại gần 80 tỷ đồng), không có DN nào trong quá trình sản xuất kinh doanh lại không muốn phát triển và muốn phát triển ngắn, dài hay trung hạn đều rất cần vốn. Khi ngân hàng hết room, ngay cả các khoản vay DN đã được ngân hàng chấp thuận cấp hạn mức và giải ngân theo lộ trình cam kết cũng khó thực hiện. Công ty Mebipha đang phải tính toán lại kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn phát triển 5 năm tới, do dòng vốn ngân hàng đang bị “tắc”.
“Thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng là động thái rất tích cực của ngành ngân hàng, giúp nhiều DN có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn để tái hoạt động những kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 tới đây. Tôi thấy dễ thở hơn khi những ngân hàng đang làm việc với mình được nới room tín dụng. Các khoản vay giải ngân sẽ được dùng vào việc đảo nợ ngân hàng”, bà Thúy Ái chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Lâm Thúy Ái cũng cho rằng, khó khăn đang bủa vây DN tứ phía, dù ngân hàng được nới room tín dụng song sức mua nhiều mặt hàng đang giảm rất sâu. Do đó, nếu nới room, DN có thêm vốn nhưng sức mua không có, không thể bán được hàng thì cũng rất khó khăn.
Bất động sản đón tin vui nhưng…
Nhiều doanh nghiệp như nắng hạn gặp mưa rào khi tiếp cận được vốn. Đây được cho là điểm tựa giúp doanh nghiệp bất động sản giải phóng hàng tồn kho, đáo hạn trái phiếu.
Các doanh nghiệp ví von việc nới “room” lần này như cơn mưa rào cho thị trường BĐS cuối năm. Ông Nguyễn Anh Quê, Giám đốc Tập đoàn G6 chia sẻ, việc nới room tín dụng tác động đến toàn bộ các ngành nghề khác không riêng gì BĐS. Theo đó, các ngành sản xuất sẽ phục hồi và kích thích tiêu dùng cuối năm. Khi bức tranh kinh tế cuối năm có nhiều điểm sáng, niềm tin vào thị trường sẽ phục hồi. “Thị trường BĐS vừa qua vừa thiếu vốn, vừa mất niềm tin khiến thanh khoản đóng băng. Thị trường BĐS có hiệu ứng lan tỏa và khi niềm tin được hồi phục sẽ khiến thị trường có tác động tích cực. Theo đó, thanh khoản được cải thiện”, ông Quê nói.
Ngoài ra, với doanh nghiệp đang gặp áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ có cơ hội giải quyết hàng tồn kho và thanh khoản. Bản chất doanh nghiệp phát hành trái phiếu là có tài sản nằm trong dự án. Theo đó, có những dự án đủ điều kiện về pháp lý và có những dự án không đủ điều kiện về pháp lý. Bản chất việc “bơm vốn” giải cứu thị trường BĐS là giải quyết vấn đề thủ tục, khơi thông được nguồn cung.
Ông Phạm Đức Toản, Giám đốc Cty Cổ phần EZ cho rằng, việc nới room tín dụng vào những tháng cuối năm là tín hiệu tích cực đẩy thanh khoản đang “đóng băng” trên thị trường BĐS. Phần room tín dụng tăng thêm sẽ bổ sung nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 và trước Tết Quý Mão. Điều đó là rất quan trọng trong bối cảnh các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư BĐS đang rất khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền.
Tuy nhiên, ông Toản cho hay, thị trường BĐS còn tồn tại rất nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là tính pháp lý của dự án tại các đô thị lớn (Hà Nội, TPHCM) nên nguồn cung sản phẩm không có. Bên cạnh đó, định giá đất và tiền sử dụng đất chính quyền các địa phương không dám làm. Nhiều dự án treo dù chủ đầu tư đã làm hạ tầng xong. “Dòng tiền từ nới room tín dụng nếu có vào cũng chỉ được coi là giải cứu ngắn hạn cho dịp Tết. Với tình hình thị trường như hiện nay, nếu nhanh cũng phải hết năm 2023 mới có khả năng tính toán được nhịp mới và sang năm 2024 mới bình ổn”, ông Toản nói.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc một DN bất động sản (BĐS) có trụ sở tại quận 3, TPHCM (đề nghị không nêu tên) nói rằng, đối với nhà đầu tư bất động sản, nguồn vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nguồn vốn từ ngân hàng rất quan trọng đối với DN, là bộ khung nâng đỡ cho các dự án BĐS. Đối với mỗi dự án, việc được cấp tín dụng xem như là bảo chứng đáng tin cậy cho DN, tạo niềm tin cho khách hàng khi mua sản phẩm.
“Thông tin nới room tín dụng là tín hiệu đáng mừng. Ngân hàng sẽ cung ứng một nguồn vốn mới cho thị trường. Các DN sẽ bớt gặp khó khăn khi cần vốn, tạo sức sống cho nền kinh tế. Riêng với các DN bất động sản, họ đều cảm thấy hy vọng về sự phục hồi của thị trường sau thời gian dài trầm lắng”, vị tổng giám đốc này chia sẻ.
Tuy nhiên, ông này cũng nói thêm rằng, phần lớn các ngân hàng thương mại đang có tỉ lệ huy động/cho vay ở mức trên dưới 100%, thậm chí có những ngân hàng tỉ lệ này vượt trên 100%. Do đó, việc nới room tín dụng sẽ giống như mồi lửa làm bùng lên cuộc đua tăng lãi suất huy động, từ đó làm tăng lãi suất cho vay và chỉ để xử lý vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn. Điều này có nghĩa là khách hàng hiện tại nằm trong mục tiêu cấp tín dụng của ngân hàng nhưng vì hạn chế về room nên thời gian qua ngân hàng không thực hiện cho vay được. Việc nới room tín dụng chỉ giải quyết thanh khoản cho một số DN nên khó tạo sức bật đáng kể nào trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản bao gồm các DN, người mua nhà đang rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong đó, có nhiều DN thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc có dòng tiền âm. Do đó, cộng đồng DN rất phấn khởi trước việc nới room tín dụng, giúp hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 đến trước Tết Quý Mão 2023.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu khuyến cáo, đối tượng có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phải là chủ đầu tư, DN, người mua nhà ở các dự án có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi hoặc đang xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền người tiêu dùng. Và các dự án này do DN (có uy tín, thương hiệu, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động, có nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện...) thực hiện.
“Với nguồn vốn tín dụng bổ sung này, tôi nghĩ sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu DN, góp phần hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hiện nay, để dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đánh giá.
Ông Võ Đình Phong - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngoài những giải pháp từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, bản thân DN cần cơ cấu lại hoạt động của mình, chứng minh năng lực, tạo niềm tin để các ngân hàng yên tâm cho vay.
“Tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 trên địa bàn Bình Dương khoảng 500 tỷ đồng. Lĩnh vực cho vay tập trung chủ yếu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi... Đối tượng được hỗ trợ lãi suất chủ yếu là DN”, ông Phong dẫn chứng.
H. CHI - U. PHƯƠNG - D. QUANG - Ng.Mai
Tiền phong
|