Thứ Năm, 01/12/2022 09:48

Chấp nhận vay ngân hàng lãi suất 15%/năm để kinh doanh

Dù lợi nhuận đang sụt giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận vay ngân hàng với lãi suất lên đến 15%/năm để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới hoặc duy trì hoạt động hiện tại.

Anh Nguyễn Công Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ sở hữu một garage buôn bán, sửa chữa ôtô tại Cầu Giấy, vừa ký hợp đồng vay ngân hàng 4 tỷ đồng để góp vốn đầu tư vào mỏ đá cùng người thân.

Khoản vay được thế chấp bằng toàn bộ nhà xưởng, nơi đang vận hành và kinh doanh garage ôtô mang lại dòng tiền đều đặn. Dù vậy, anh Hưng vẫn phải chấp nhận mức lãi suất gần 14%/năm.

“Thông thường công ty tôi hay vay vốn qua ngân hàng quốc doanh với lãi suất thấp hơn, nhưng đợt này nhân viên tín dụng thông báo ngân hàng đã hết room nên không thể giải ngân. Tôi phải tìm tới ngân hàng tư nhân với lãi suất cao hơn gần 3%/năm so với các khoản vay thực hiện từ năm 2021", anh Hưng nói với Zing.

Lãi cao nhưng không thể không vay

Theo anh Hưng, mỏ khai thác đá dự kiến đầu tư có định giá trên 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đối tác gặp khó khăn về dòng tiền nên buộc phải san nhượng lại với giá chỉ 40 tỷ đồng.

Thấy cơ hội tốt nên anh sẵn sàng thế chấp cả garage và vay lãi suất cao để nắm bắt. Theo tính toán, dòng tiền đều đặn thu từ hoạt động kinh doanh và sửa chữa ôtô của garage sẽ đủ để anh Hưng trang trải các chi phí lãi và sau 2 năm vận hành, khai thác mỏ đá, anh có thể thu hồi vốn.

vay ngân hàng ảnh 1

Lãi vay kinh doanh đã chạm mốc 15%/năm. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong khi đó, chị Lê Thúy Quỳnh (Mỹ Đình, Hà Nội), đại diện một doanh nghiệp sản xuất và lắp đặt sàn gỗ tại Hà Nội cho biết từ đầu năm nay hoạt động kinh doanh đã suy giảm đáng kể khi lãi suất ngân hàng tăng cao.

“Lãi suất vay ngân hàng hiện đã lên tới 14-15%/năm, cao hơn nhiều so với mức 11-12%/năm của năm trước. Tuy lãi suất cao, công ty vẫn buộc phải vay tiền để duy trì hoạt động kinh doanh và làm dự án”, chị Quỳnh phân trần.

Theo chị, trong nửa sau của năm nay, có những dự án công ty chỉ ghi nhận mức lợi nhuận 0,3-0,5% nhưng vẫn phải nhận việc. Nếu không nhận dự án thì không có việc cho công nhân, không có nguồn tiền để trả lương, đối tác. Tuy nhiên, nhận việc thì lợi nhuận không được bao nhiêu, trong khi phải gánh lãi ngân hàng ngày một tăng.

“Điều tôi lo lắng không phải là lãi suất hiện tại ở mức 14-15%/năm mà là lãi suất sẽ còn tăng trong năm sau hay không. Nếu lãi suất ngân hàng tăng thêm 1% nữa, hầu hết dự án công ty đang làm đều sẽ thua lỗ”, chị Quỳnh cho biết.

Anh Q., giám đốc một doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM cũng cho biết lãi vay lưu động đã tăng từ mức 8%/năm lên 10%/năm khiến chi phí tài chính tăng 25%, trong khi vốn vay chiếm đến 30% tổng vốn đầu tư.

Lúc này, lượng đơn hàng sụt giảm, báo giá cũng phải ở mức cạnh tranh để giành giật đơn hàng nên có những đơn hàng công ty vừa nhận đã thấy lỗ, chưa tính đến chi phí phát sinh.

Nếu lãi vay lên đến 14-15% thì 'tắc thở', vì khi đó không chỉ chi phí tăng, mà các đối tác, khách hàng cũng không kinh doanh được, đơn hàng chắc chắn giảm.

Anh Q., giám đốc một doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM

"Lãi cao nhưng không vay không được vì sẽ không có tiền để mua nguyên phụ liệu. Nhưng hiện tại tôi cũng chỉ vay ngắn hạn để thực hiện đơn hàng chứ không vay mới đầu tư thêm.

Với biên lợi nhuận như chúng tôi, nếu lãi vay lên đến 14-15% thì 'tắc thở', vì khi đó không chỉ chi phí tăng, mà các đối tác, khách hàng cũng không kinh doanh được, đơn hàng chắc chắn giảm. Đó là 'chết hai chiều'", anh Q. nói.

Thực tế, không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lãi suất tăng nhưng một doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn của TP.HCM cũng cho biết đang căng thẳng vì đối tác, khách hàng không có tiền để trả nợ. Ông V., tổng giám đốc công ty này, cho hay nhiều hệ thống bán lẻ đang kéo dài công nợ từ mức 45-60 ngày trước đây lên đến 3 tháng.

"Họ đưa ra rất nhiều lý do, nhưng chủ yếu là do đến ngày đáo hạn, họ trả đủ nhưng nhận về chỉ 60-70%, có trường hợp không được vay lại vì 'hết room'. Các nhà cung cấp cũng rơi vào cảnh tương tự. Chúng tôi bị sức ép từ cả hai phía, gồng công nợ cho cả hai bên nên phải tăng hạn mức tín dụng. Giữa lúc lãi vay đang tăng mà vẫn phải vay thêm, vì không vay thì lấy đâu ra dòng tiền duy trì. Đau đầu lắm", ông V. giãi bày.

Cần tái cấu trúc vốn, cải thiện hiệu quả nguồn vốn

Trao đổi với Zing, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận dù tình trạng lãi suất tăng cao đang ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhưng đây vẫn là giải pháp cần thiết và tối ưu để ổn định kinh tế vĩ mô.

Dự báo lãi suất năm 2023 tiếp tục tăng, ông khuyến nghị các doanh nghiệp sớm chủ động tính toán các phương án huy động vốn đề phòng rủi ro, cũng như có kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả.

vay ngân hàng ảnh 2

Trong lúc nguồn vốn gặp khó, doanh nghiệp cần chủ động lên phương án huy động và tối ưu nguồn vốn. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trong lúc này, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng các doanh nghiệp phải rà soát lại chuỗi cung ứng và vòng quay hàng tồn kho nhằm tối ưu hóa dòng tiền.

"Ví dụ, nếu doanh nghiệp mua hàng xin nợ 45 ngày, thì doanh thu nhận về phải trong thời hạn này chứ không thể lâu hơn. Đây là lúc tăng chu kỳ nợ với đối tác và bán hàng nhận tiền ngay. Như vậy thì có thể tận dụng dòng tiền trong chuỗi cung ứng thay vì vay nợ", ông phân tích.

Song song, ông gợi ý các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng phương thức thanh toán bằng thư tín dụng (L/C) để được ứng trước tiền.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại cho rằng những khó khăn về tín dụng chỉ kéo dài trong vòng một tháng tới, qua năm 2023 vốn lưu động sẽ được giải tỏa bởi ngay lập tức có tăng trưởng hạn mức tín dụng 14%.

"Nhân viên tín dụng ngân hàng đã chuẩn bị sẵn hồ sơ, chỉ qua tháng 1 là giải ngân liền, không được hạn mức như trước nhưng sẽ được 80-90%. Do đó trong quý I/2023 nguồn vốn lưu động sẽ phục hồi. Vấn đề là doanh nghiệp phải có dòng tiền, kế hoạch kinh doanh và lịch sử tín dụng tốt", Tiến sĩ Đinh Thế Hiển dự báo.

Còn với nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh, vị chuyên gia cho rằng cần nhiều nguồn và đòi hỏi quá trình đầu tư 5-10 năm để xây dựng những nguồn lực này.

Nói như Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ đang có những biện pháp đúng đắn để điều chỉnh thị trường chứng khoán, trong đó có trái phiếu. Do đó đây là giai đoạn các doanh nghiệp nên tập trung nguồn lực để hoàn thiện nhằm đáp ứng các yêu cầu huy động vốn qua các kênh khác như trái phiếu, để khi thị trường lành mạnh, các doanh nghiệp lành mạnh sẽ huy động thành công.

Quang Thắng, Lan Anh, Liên Phạm

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Tắc thanh khoản – lãi suất sẽ cứ nhấp nhổm tăng? (01/12/2022)

>   HDBank chuẩn bị phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế (30/11/2022)

>   NHNN ngăn chặn cá độ mùa World Cup 2022 (30/11/2022)

>   Vì sao doanh nghiệp giảm vay ngoại tệ? (30/11/2022)

>   PVcomBank và EVNNPC ký kết hợp tác toàn diện cùng hỗ trợ phát triển (30/11/2022)

>   VIB bổ sung thuế 9.7 tỷ đồng cho 3 năm 2019, 2020 và 2021 (30/11/2022)

>   Để doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh với thẻ tín dụng đa tiện ích của Sacombank (30/11/2022)

>   Bẫy tín dụng "rình" người khó (30/11/2022)

>   HDBank Đắk Bla – Dòng sông chảy ngược vun đắp đại ngàn (29/11/2022)

>   Đến lúc nới tín dụng? (29/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật