Thứ Ba, 29/11/2022 08:18

Đến lúc nới tín dụng?

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 là 14%, rõ ràng dư địa để nới thêm tăng trưởng tín dụng vẫn còn. Trong tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề, các đợt phát hành mới khó thu hút người mua nên các doanh nghiệp càng mong muốn được tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng…

Đầu tháng 10, Vietcombank được thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng do đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của NHNN. Ảnh: THÀNH HOA

Vì sao cần nới?

Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm tài chính, do đó có lẽ đã đến lúc nhà điều hành xem xét nới thêm room tín dụng cho các ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn tại nhiều doanh nghiệp đang bị tắc nghẽn trầm trọng, có thể ảnh hưởng đáng kể lên tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm nay cũng như cho giai đoạn tới, làm chậm lại đà phục hồi đang diễn biến khá thuận lợi trong thời gian gần đây.

Trước đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có hai đợt nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại. Đợt nới room đầu tiên diễn ra vào đầu tháng 9, với khoảng 18 ngân hàng thương mại được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng. Lần gần đây nhất là vào đầu tháng 10, các ngân hàng VPBank, HDBank, MBBank và Vietcombank được thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, do đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của NHNN.

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế đến ngày 25-10 đã tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, tương ứng với mức tăng tuyệt đối hơn 1,2 triệu tỉ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, dư địa để nới thêm tăng trưởng tín dụng vẫn còn 2,5%, tương đương với số dư nợ có thể tăng thêm hơn 261.000 tỉ đồng. Con số này dù ít hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ hai tháng cuối năm của những năm trước, nhưng điều này cũng không có gì lạ khi đặc thù năm nay tín dụng đã tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm.

Nếu so với cùng kỳ tháng 10 năm ngoái, tín dụng đang ghi nhận tốc độ tăng lên đến 16,5%. Theo đó, quy mô dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế đã tăng thêm hơn 1,6 triệu tỉ đồng trong vòng 12 tháng qua. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với mốc duy trì 13-15% của giai đoạn trước đây. Vì vậy, nhà điều hành có lý do để cẩn trọng trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Một điểm hỗ trợ nữa cho chính sách nới thêm room tín dụng là diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã hạ nhiệt trong hơn nửa tháng qua, trong bối cảnh đô la Mỹ trên thị trường quốc cũng đã có dấu hiệu tạo đỉnh. NHNN gần đây có động thái giảm giá bán ra đô la Mỹ hai lần liên tiếp trong vòng một tuần. Cụ thể, sau khi giảm 10 đồng từ ngày 11-11, thì đến ngày 18-11, cơ quan này tiếp tục giảm 10 đồng nữa xuống còn 24.850 đồng/đô.

Trong khi đó, sau khi đã mua lại trước hạn 152.500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 10 tháng đầu năm nay, lượng TPDN sẽ đáo hạn trong hai tháng cuối năm vẫn còn khá lớn, với hơn 61.000 tỉ đồng, riêng tháng 12 sẽ có gần 48.000 tỉ đồng. Trong tình hình thị trường TPDN đang gặp nhiều vấn đề, các đợt phát hành mới khó thu hút người mua nên các doanh nghiệp càng mong muốn được tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng để có vốn tài trợ cho việc thanh toán các TPDN đến hạn này.

Vì vậy, dễ hiểu khi vì sao thị trường trông chờ vào chính sách nới room tín dụng của NHNN đến như vậy. Thậm thí theo đề xuất của một số chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể xem xét nới thêm 1-2% nữa, tức nâng room tín dụng cả năm lên 15-16%, để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, khi mà chính sách tài khóa vẫn chưa thể phát huy hiệu quả với các dự án đầu tư công vẫn đang trì trệ.

Những e ngại…

Trong cuộc tiếp xúc với cử tri mới đây, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đang chỉ đạo ngành ngân hàng, tài chính có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, sửa các quy định không phù hợp, cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi. Miễn, giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

Dù vậy, đứng về phía nhà điều hành cũng đang có những cân nhắc thiệt hơn trong tình hình hiện nay. Nếu so với cùng kỳ tháng 10 năm ngoái, tín dụng đang ghi nhận tốc độ tăng lên đến 16,5%. Theo đó, quy mô dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế đã tăng thêm hơn 1,6 triệu tỉ đồng trong vòng 12 tháng qua. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với mốc duy trì 13-15% của giai đoạn trước đây. Vì vậy, nhà điều hành có lý do để cẩn trọng trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Thực tế, theo chia sẻ của Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, tăng trưởng kinh tế trong chín tháng đầu năm đã có sự đóng góp tích cực của việc tăng trưởng tín dụng nhanh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, khác với mọi năm là huy động vốn năm nay tăng trưởng chậm, hiện mới đạt khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng một phần ba so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, đang rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Số liệu thống kê cũng cho thấy sau nhiều năm lượng tiền gửi khách hàng trong hệ thống ngân hàng luôn duy trì cao hơn số dư nợ tín dụng, từ tháng 8 đến nay xu thế này đã đảo chiều với số dư nợ tín dụng đã vượt lên cao hơn so với số dư tiền gửi khách hàng và khoảng chênh lệch này có lẽ đang ngày càng mở rộng khi tăng trưởng dư nợ tiếp tục vượt trội. Xu thế này cũng phần nào lý giải vì sao lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng bắt đầu tăng vọt từ tháng 9 đến nay.

Đây cũng là lý do mà có ý kiến cho rằng ngay cả khi NHNN có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay tiếp. Khi đó, để đảm bảo đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thời gian tới, buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động đầu vào. Điều này, có thể sẽ ảnh hưởng tới việc hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Dù vậy, với nhu cầu vay vốn cuối năm thường tăng mạnh, việc sớm nới thêm room tín dụng là chính sách được chờ đợi. Theo ghi nhận của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), doanh nghiệp hiện thiếu vốn cho cả việc duy trì sản xuất – kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho giai đoạn sắp tới lẫn duy trì công ăn việc làm cho người lao động hiện tại.

Dòng tiền của doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn hai năm chống chọi với dịch Covid-19 và nay càng eo hẹp hơn. Vì vậy, cần sớm có chính sách hỗ trợ với chính sác phát triển tín dụng linh hoạt hơn, đặc biệt ở nhóm sản xuất.

Thụy Lê

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội: Chỉ xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng (28/11/2022)

>   Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, chuẩn bị kỳ họp bất thường, kỳ họp thứ 5 Quốc hội (28/11/2022)

>   Ba kịch bản dự báo 'sức khỏe' của đầu tàu kinh tế TPHCM năm 2023 (24/11/2022)

>   Financial Times: Việt Nam dẫn đầu toàn cầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số hóa (22/11/2022)

>   Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam? (22/11/2022)

>   Tỉnh nào đang có thu nhập bình quân cao nhất nước? (22/11/2022)

>   Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương Vùng Tây Nguyên thí điểm chính sách đặc thù (20/11/2022)

>   Nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận qua đời vì tai nạn (20/11/2022)

>   Tổng Bí thư: Kẻ phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài vẫn bị điều tra, xét xử (18/11/2022)

>   Thủ tướng: Tăng cường kiểm tra giám sát để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu (18/11/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật