Bẫy tín dụng "rình" người khó
Các giải pháp hỗ trợ người khó khăn cần được quan tâm thực hiện tích cực, thiết thực hơn, nhằm giúp họ tránh xa các hình thức cho vay "cắt cổ".
Trong gần 3 năm qua, dịch COVID-19 bùng phát nhiều lần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn chung, để có tiền trang trải cuộc sống, đã có người phải bấm bụng vay từ các tổ chức tín dụng không chính thức với lãi suất "cắt cổ" và đòi nợ theo kiểu khủng bố.
Đủ kiểu mời chào
Nhiều người sử dụng điện thoại hẳn từng nhận được tin nhắn của một công ty tín dụng với nội dung đại khái như: "Quý khách có thể vay đến 50 triệu VNĐ, trả góp từ 523.000 đồng/tháng…". Với nhiều người, 50 triệu đồng hoặc ít hơn là cả một gia tài, có thể giúp họ giải quyết được rất nhiều trong cuộc sống, như sắm một chiếc xe máy để chạy xe ôm công nghệ hoặc đi giao hàng; chuẩn bị một bộ dụng cụ nấu cùng bàn ghế để làm một xe hủ tiếu, bún bò bán lề đường; có thể mua một chiếc xe ba bánh và một số trái cây để bán rong… Quan trọng là lời giới thiệu kia có sức hấp dẫn không nhỏ: "Trả góp từ 523.000 đồng/tháng", tức chưa đến 20.000 đồng/ngày, thoạt nghe có vẻ hoàn toàn trong tầm tay nhưng thực chất là cái bẫy mà nhiều người đã mắc phải.
Cụ thể, trong tin nhắn thoạt nhìn tưởng khá rõ nhưng lại mù mờ chữ nghĩa: "vay đến 50 triệu VNĐ" và "trả góp từ 523.000 đồng/tháng", có nghĩa là vay tối đa đến 50 triệu đồng nhưng trả góp 523.000 đồng/tháng chỉ là con số tối thiểu, người vay không biết con số tối đa là bao nhiêu, cũng không rõ số tiền đó đã có gốc chưa, phải trả trong bao lâu, lãi suất cụ thể thế nào...? Người cả tin chỉ cần nhắn tin trả lời "đồng ý" thì coi như "cá đã cắn câu", các biện pháp thuyết phục sẽ được sử dụng triệt để cho đến khi nào "bút sa" thì thôi!
Các bẫy tín dụng trên mạng rất nhiều. Cùng với đó là các bẫy dán đầy cột điện, bờ tường, sẵn sàng "siết cổ" những người thiếu vốn, cần có một khoản tiền giải quyết gấp nhu cầu trước mắt, rồi... từ từ tính. Kể cả việc "thế chấp cà vẹt" cũng là một dạng cho vay nặng lãi mà khả năng mất xe, tức là mất phương tiện đi lại, làm ăn. Một khi đã vướng nợ, "con nợ" không thể "từ từ trả" được mà chắc chắn sẽ bị đòi "rát da, rách áo".
Báo chí đã nói nhiều trường hợp người mang nợ phải bỏ nhà đi biệt xứ, phải nhảy cầu tự tử, phải bán nhà rẻ mạt để trả nợ…, còn người thân, người quen thì bị "khủng bố" bằng đủ mọi cách. Kể cả cán bộ, công chức cũng vướng vào nợ nần loại này và bị đòi nợ bằng những cách "khủng bố". Thực tế, hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê theo kiểu giang hồ, thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự ở một số địa phương.
Hay các loại cho vay nóng ngay trong khu dân cư, làm theo cách truyền thống với tên gọi "thu tiền góp" hoặc "chơi hụi" (chơi họ) mà người chơi thường "hốt" trước rồi è lưng trả lãi với lãi suất hàng chục % mỗi tháng. Nếu chậm trả, không thể trả thì hậu quả rất khó lường!
Các ứng dụng cho vay lãi suất cao tràn lan trên mạng đã khiến nhiều người sập bẫy. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Cần những giải pháp thiết thực hơn
Trong bối cảnh đó, sự quan tâm, sâu sát và các biện pháp hỗ trợ kịp thời của chính quyền, đoàn thể ở địa phương đối với các gia đình khó khăn là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Sự quan tâm đó trước hết giúp người dân hiểu rõ hơn thủ đoạn gài bẫy của các nhóm cho vay nặng lãi, dù được ẩn danh dưới cái tên mỹ miều là "công ty tín dụng", "công ty tài chính", mà tránh xa. Không chỉ vậy, sự động viên, chia sẻ có thể giúp bà con nghèo vững tin hơn, từ đó tìm ra được giải pháp khác tốt hơn thay vì phải "đâm đầu" vào ngõ cụt.
Bên cạnh đó, những sự giúp đỡ vật chất hoặc sinh kế như: giới thiệu việc làm, tặng học bổng cho con em, cấp thẻ bảo hiểm y tế, giới thiệu học nghề miễn phí, hỗ trợ vật chất cụ thể (thực phẩm, quần áo, chống dột, nâng nền nhà…), cho vay không lãi hoặc lãi suất thấp từ nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội hoặc quỹ của các đoàn thể... sẽ có ý nghĩa quyết định để giúp các gia đình vượt qua khó khăn, thực sự đoạn tuyệt với "vòi bạch tuộc" của bọn cho vay nặng lãi.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền để người dân không sa vào bẫy tín dụng đen, đồng thời có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật nếu có đủ chứng cứ.
Thời gian qua, các địa phương thực hiện giảm nghèo đa chiều với nhiều tiêu chí, trong đó tiêu chí thu nhập là rất quan trọng, từ đó xếp thành các nhóm hộ nghèo và cận nghèo. Sau dịch COVID-19, có thể hộ nghèo sẽ nghèo hơn, hộ cận nghèo sẽ trở thành hộ nghèo, hộ trước đây từng có thu nhập tốt giờ trở thành hộ cận nghèo...
Do đó, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần sâu sát, nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình cụ thể để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; tránh chạy theo thành tích, vì mục tiêu "xóa nghèo trên giấy" mà không thừa nhận thực tế tại địa phương mình đang còn hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Nguyễn Minh Hải
Người lao động
|