Jollibee đóng cửa thương hiệu cà phê Dunkin’ ở Trung Quốc
Tập đoàn đồ ăn nhanh Jollibee Foods của Philippines ngày 09/11 cho biết họ sẽ chấm dứt liên doanh cà phê Dunkin’ ở Trung Quốc sau khi gặp nhiều khó khăn để mở rộng chuỗi, Nikkei Asia đưa tin.
Jollibee cho biết đối tác Jasmine Asset Holdings của họ và công ty chuyển nhượng Dunkin 'Donuts Franchising có trụ sở tại Mỹ vừa chấm dứt hợp đồng nhượng quyền bắt đầu từ năm 2015. Hai bên đã lên kế hoạch mở hơn 1,400 cửa hàng trong hơn 20 năm trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả ở Bắc Kinh, Hong Kong và Macao. Tuy nhiên, 7 năm sau, liên doanh này chỉ mở được 7 cửa hàng ở Bắc Kinh. Khi liên doanh này chấm dứt, đồng nghĩa 7 cửa hàng trên cũng sẽ bị đóng cửa.
Giám đốc điều hành của Jollibee Ernesto Tanmantiong nói với Nikkei Asia vào tháng 10/2022 rằng công ty đang rà soát lại liên doanh Dunkin’, đơn vị đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Còn theo Richard Shin, giám đốc tài chính của Jollibee, Dunkin’ không phải là ngành kinh doanh cốt lõi ở Trung Quốc, một thị trường vốn quen uống trà hơn cà phê. “Đây có lẽ là quyết định đúng đắn để chúng tôi phân bổ lại các nguồn lực của mình”, ông Shin nói. ‘
Sau khi Dunkin’ đóng cửa, Jollibee cho biết sẽ tập trung xây dựng thương hiệu lớn hơn của họ ở Trung Quốc là Yonghe King, một nhà hàng lấy cảm hứng từ ẩm thực Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Zhuang Yuan, nhà hàng chuyên phục vụ cháo và các món ăn nóng khác. Yonghe King và Hong Zhuang Yuan lần lượt có 418 và 55 chi nhánh.
Jollibee cũng đang có kế hoạch mở 100 cửa hàng dim sum Tim Ho Wan trong 5 năm tới ở Trung Quốc.
Mặc dù từ bỏ nhượng quyền thương mại chuỗi Dunkin’, Jollibee vẫn sở hữu một tài sản khá lớn trong mảng kinh doanh cà phê. Công ty có 80% cổ phần tại Coffee Bean & Tea Leaf có trụ sở tại Los Angeles, một thương hiệu đang cạnh tranh với Starbucks trên thị trường cà phê toàn cầu.
Cùng với Philippines và Bắc Mỹ, Trung Quốc là một trong 3 thị trường chính mà Jollibee đặt tham vọng trở thành một trong 5 chuỗi nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới tính theo vốn hoá thị trường. Công ty này hiện điều hành hơn chục thương hiệu tại hơn 30 quốc gia, và đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng các chuỗi nhà hàng phục vụ đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới, dựa trên dữ liệu của FactSet hồi tháng 10/2022.
Đây không phải lần đầu tiên Jollibee chấm dứt liên doanh ở Trung Quốc. Trước đó, công ty này đã đóng cửa chuỗi nhà hàng lẩu và phở bò.
Công ty con Jollibee Worldwide của Jollibee Foods từng hợp tác với Jasmine Asset Holdings thành lập một công ty để sở hữu và vận hành chuỗi Dunkin’ Donuts ở Trung Quốc vào năm 2015. Theo thoả thuận, Jollibee Worldwide sẽ sở hữu 60% cổ phần của liên doanh này và 40% cổ phần thuộc sở hữu của Jasmine. Hai bên cam kết đầu tư 300 triệu USD vào liên doanh, trong đó, Jollibee Worldwide đóng góp 180 triệu USD.
Jollibee và Jasmine cũng đồng thuận để thực hiện một thoả thuận chuyển nhượng với Dunkin’ Donuts sau khi liên doanh được thành lập. Theo thỏa thuận nhượng quyền, liên doanh của Jollibee và Jasmine sẽ được độc quyền phát triển Dunkin 'Donuts tại nhiều khu vực ở khắp Trung Quốc.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia, ABS-CBN News)
FILI
|