Kinh tế khó khăn, người Việt thờ ơ mua sắm Lễ độc thân
Khác năm ngoái, sự hào hứng mua sắm không còn thể hiện rõ trong đợt khuyến mại Lễ độc thân ngày 11/11. Tình hình kinh tế khó khăn đang ảnh hưởng xu hướng mua sắm của người dùng.
Quý IV hàng năm luôn là thời điểm thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong nước được hâm nóng. Với hàng loạt sự kiện nối tiếp như ngày đôi 10/10, 11/11, 12/12 hay Black Friday, đây là giai đoạn các sàn TMĐT chi mạnh tay nhất để khởi động cuộc đua kích cầu cuối năm.
Kết thúc dịp sale 11/11 năm ngoái, đại diện Shopee tuyên bố bán ra hơn 2 tỷ mặt hàng, phá vỡ kỷ lục thiết lập năm 2020. Số lượng người dùng truy cập vào nền tảng cũng tăng gấp 5,5 lần so với ngày thường.
Nhiều nhà bán hàng địa phương tăng trưởng mạnh với lượng đơn hàng có thể tăng hàng chục lần trong lần đầu tiên tham gia lễ hội mua sắm này.
Đối thủ của Shopee là Lazada cũng chứng kiến doanh thu và số lượng đơn hàng trên toàn sàn tăng gấp 2 lần năm 2020. Số lượng thương hiệu và nhà bán hàng tham gia tăng gấp 1,5 lần.
Trong khi đó, Tiki đánh giá sự kiện 11/11 năm ngoái là chương trình thành công nhất từ trước đến nay. Doanh số bán hàng trên sàn tăng gấp 9 lần, lượng khách hàng cũng tăng gấp 2 lần so với ngày thường.
Tuy nhiên, mùa mua sắm năm nay có thể sẽ khác. Trước bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước liên tục chuyển xấu, người tiêu dùng có xu hướng cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định xuống tiền đặt hàng.
Áp lực đồng tiền
Tính toán và hạn chế chi tiêu là 2 mục tiêu mà Trà My - 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội - đặt ra trong đợt khuyến mãi Lễ độc thân - 11/11 sắp tới. Dù là người thường xuyên săn sale trên sàn TMĐT, tình trạng giá cả, chi phí sinh hoạt tăng cao vài tháng trở lại đây khiến My không thể “vung tiền” mua sắm như trước.
Bên cạnh đó, việc phải đối mặt với hàng loạt khoản chi dịp cuối năm và cận Tết càng tạo áp lực lên túi tiền.
“Năm ngoái cứ món đồ nào hợp mắt là tôi lại cho vào giỏ hàng, đặc biệt là những sản phẩm quần áo, túi xách, phụ kiện, mỹ phẩm. Nay phải tém lại, tạo danh sách, hễ muốn mua gì là phân theo thứ tự ưu tiên chứ không thể buông thả được”, cô tâm sự.
Hiện danh sách của My được chia thành 3 nhóm, gồm các mặt hàng cần mua, phải săn sale bằng được, các mặt hàng chưa cần thiết, vẫn còn đang phân vân và nhóm mặt hàng không nên mua.
Tình hình kinh tế cuối năm khó khăn buộc người dùng phải cắt giảm chi tiêu. Ảnh: Phương Lâm.
|
Trên thực tế, các đợt sale trên sàn TMĐT đã quá phổ biến. Theo Trà My, ngoài các chương trình lớn vào ngày song trùng nhiều tháng trong năm, sàn cũng có các đợt ưu đãi khác trong tháng. Do vậy, sự háo hức của việc săn sale vào các sự kiện lớn cũng bị giảm bớt phần nào.
Tương tự, Bảo Anh - 23 tuổi, nhân viên một ngân hàng lớn ở Hà Nội - chọn phương án “thắt lưng buộc bụng” và nghỉ mua sắm từ nay đến cuối năm. Thời điểm này các năm trước, cô bỏ ra trung bình 3-5 triệu đồng cho mỗi đợt sale.
Tự đánh giá là người có điều kiện kinh tế ổn định, tuy nhiên, việc làm ăn không như ý thời gian qua khiến Bảo Anh phải cắt giảm nhiều sở thích, bao gồm hoạt động mua sắm trên sàn TMĐT.
“Tôi sẽ mua đồ chỉ khi chúng thực sự cần thiết và bằng mọi cách tránh xa thẻ tín dụng để hạn chế nợ xấu. Tình hình sắp tới dự kiến còn khó khăn, tôi phải chuẩn bị sẵn cho mọi tình huống”, Bảo Anh chia sẻ.
Săn sale không còn hấp dẫn
Bên cạnh áp lực về kinh tế, quá trình săn sale cũng khiến người dùng không còn hứng thú. Bản thân một số người dùng cũng từ bỏ thói quen săn sale khi cảm thấy thời gian thức đêm giành giật từng voucher không xứng đáng.
Theo Quang Bách - 26 tuổi, nhân viên truyền thông tại Hà Nội - việc phải thức đêm để thu thập mã giảm giá, khuyến mãi đôi khi còn để lại sự bực tức cho người dùng. Trong số đó, phần lớn nguyên nhân xuất phát từ phía người bán hàng.
“Rất khó để kiếm mã giảm giá. Có một lần, khi tôi kiếm được mã và cố hoàn thành đơn hàng thì bị hủy đơn không rõ lý do, nhắn tin hỏi thì shop không trả lời. Khi sử dụng khuyến mãi cho sản phẩm khác thì mã ưu đãi đã hết hiệu lực”, anh phàn nàn.
Sau đó, Bách đã từ bỏ việc săn đồ giảm giá. Thay vì giao dịch dưới hình thức C2C, anh ưu tiên chọn đồ trên các gian hàng chính hãng để hạn chế rủi ro.
Tình trạng người bán thường xuyên dùng chiêu trò khiến một số người dùng đánh mất sự hứng thú khi mua hàng trên sàn TMĐT. Ảnh: DealStreetAsia.
|
Theo ghi nhận của chúng tôi, một trong những bất cập được người dùng phản ánh nhiều nhất là tình trạng sale ảo, tức giá sản phẩm sau khi sale không mấy chênh lệch so với giá bán ngày thường. Chỉ cần kiểm tra bằng một số ứng dụng, người dùng có thể dễ dàng phát hiện một số người bán đẩy giá hàng hóa lên cao trước ngày sale, sau đó khuyến mãi với mức ưu đãi khủng nhằm tạo tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) cho người mua.
Mùa mua sắm cuối năm cũng là dịp để các shop bán hàng thể hiện nhiều chiêu trò hút khách khác nhau. Một trong những hình thức phổ biến là lồng ghép sản phẩm phụ, có giá trị thấp vào sản phẩm chính để tạo hiệu ứng chim mồi, thu hút lượng tương tác của người dùng.
Ngoài ra, việc hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT vẫn còn khá phổ biến. Hiện nay, cả 4 sàn TMĐT lớn hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều có chính sách chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Dẫu vậy, theo chuyên gia nghiên cứu TMĐT Đặng Đăng Trường, đa phần các sàn chấp nhận sống chung với tình trạng này bởi rất khó kiểm soát, chỉ có thể giảm nhẹ bằng những "liều thuốc" ngắn hạn.
Chỉ sau khi người bán đăng sản phẩm rồi thì các sàn này mới bắt đầu quét để phát hiện sai phạm hoặc với các trường hợp tinh vi thì phải đến lúc có khách hàng khiếu nại.
Đặng Đăng Trường, chuyên gia nghiên cứu TMĐT
|
“Cụ thể, có 3 trên 4 sàn TMĐT lớn nhất nước hiện nay (Lazada, Shopee, Sendo) hoạt động theo mô hình C2C nghĩa là họ mở cửa cho mọi cá nhân mở gian hàng và bày bán mà không cần đăng ký kinh doanh, không cần các loại giấy tờ chứng nhận sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu”, ông Trường nhận định.
Vị chuyên gia cho rằng điều này đồng nghĩa các sàn chấp nhận chạy theo sau người bán. Riêng Tiki là trường hợp cá biệt khi yêu cầu người bán phải trưng đầy đủ giấy tờ trước khi được phép mở gian hàng.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết tính riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua TMĐT. Trong vòng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT được dự đoán có thể chiếm 50-60% tổng hình thức gian lận thương mại.
Minh Khánh
ZING
|