Quyền tự do thông tin, quyền riêng tư và quyền được lãng quên
Đã đến lúc cần ban hành Luật Bảo vệ quyền riêng tư nhằm cân bằng giữa quyền tự do thông tin, quyền riêng tư, quyền được lãng quên; đồng thời có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định ranh giới các quyền này.
Trước khi có cuộc cách mạng công nghệ thông tin, con người khát khao được tự do thông tin, tiếp cận thông tin, bởi tự do thông tin được gọi là quyền bảo vệ quyền, tức khi có thông tin mới có “căn cứ” bảo vệ các quyền khác.
Ngày nay, loài người bước sang một xã hội văn minh mới được gọi là xã hội thông tin. Thông tin và các phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều và đa dạng, đã tạo nên môi trường thông tin rộng lớn vượt qua mọi biên giới quốc gia. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng thông tin đã làm thay đổi quan điểm và nhận thức rõ ràng hơn của cộng đồng thế giới về tầm quan trọng và sức mạnh của thông tin.
Quyền tự do thông tin và quyền riêng tư
Quyền tự do thông tin và quyền được bảo vệ sự riêng tư có mối quan hệ chặt chẽ nhau, cả hai quyền này đều được các công ước quốc tế và hiến pháp của nhiều quốc gia bảo vệ. Tất cả đều có một điểm chung: sự miễn trừ của quyền tự do thông tin là bảo vệ quyền riêng tư và ngược lại, bảo vệ quyền riêng tư có thể ảnh hưởng tự do thông tin.
Hai quyền này thường được mô tả là “hai mặt của một đồng xu” – chủ yếu hoạt động như các quyền bổ sung nhằm thúc đẩy quyền của cá nhân để tự bảo vệ mình và thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính phủ. Mối quan hệ giữa quyền riêng tư và quyền tự do thông tin hiện đang là chủ đề tranh luận đáng kể ở các quốc gia. Đến nay, hơn 50 quốc gia đã thông qua cả hai luật này.
Khi cuộc cách mạng công nghệ thông tin chưa đến, các quyền tự do thông tin, tự do báo chí, quyền riêng tư tồn tại bên cạnh các quyền con người khác. Nhưng, nhu cầu có được thông tin để “bảo vệ các quyền khác” mạnh mẽ hơn, nên hầu hết các quốc gia tập trung hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền này hơn quyền riêng tư.
Hơn nữa, sự xâm phạm về quyền riêng tư trong giai đoạn này không nhiều, do không có phương tiện hữu hiệu để “phát tán” thông tin.
Xử lý vi phạm thì nên lượng hóa chế tài đối với hành vi tiết lộ thông tin cá nhân, bí mật đời tư dựa trên mức độ của sự lan tỏa thông tin càng lớn, thì phạt thật nặng để răn đe với những người đã vi phạm trong thời gian qua.
|
Còn ngày nay, công nghệ thông tin và các thiết bị thông minh là phương tiện và phương thức để sự vi phạm quyền quyền riêng tư, bí mật đời tư, bí mật thư tín, danh dự, nhân phẩm trở nên dễ dàng hơn.
Thông tin bôi nhọ, thông tin đời tư có thể truyền rất nhanh qua mạng Internet và rất khó phát hiện người vi phạm pháp luật vì họ ẩn danh thông qua mạng toàn cầu.
Bên cạnh đó, cũng có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng truyền thông và tự do thông tin với mục đích không tốt, tấn công người khác bằng cách công khai thông tin bí mật riêng tư của họ. Điều này trở nên nguy hiểm hơn cho xã hội do có tính lây lan rất nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của cả xã hội.
Ở nước ta, quyền riêng tư được tiếp cận khá chậm nên sự xâm phạm quyền riêng tư khá nhiều, trong khi các quốc gia khác đã tạo thành “văn hóa giao tiếp” trong đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, sự dằng co giữa các giá trị cần có một chính quyền công khai và giữa các giá trị bảo vệ quyền riêng tư rất gay gắt. Bởi từ khi có cơ sở dữ liệu điện tử thì hầu như không có một người nào trong xã hội đương đại lại có thể hoàn toàn giữ kín nhiều sự kiện riêng về mình.
Vì vậy, cần phải có các quy định pháp lý chặt chẽ để việc tiết lộ các thông tin riêng tư phải hết sức cẩn trọng và chọn lọc, có như vậy thì các luật đó ít ra cũng bảo vệ được một phần nào quyền riêng tư cá nhân.
Quyền được lãng quên và quyền riêng tư
“Quyền được lãng quên” trên nền tảng mạng Internet là quyền mới phát sinh khi cả xã hội đã và đang bước vào kỷ nguyên số. Quyền này ngày càng quan trọng khi mọi thông tin đều có thể dễ dàng được truy cập. Những thông tin cá nhân vô tình xuất hiện trên Internet hoặc xuất hiện trong một khoảng thời gian đã lâu và nhiều người muốn được quên đi để có cuộc sống bình yên phía trước.
Về bản chất, đây là quyền của một người được tự do quyết định cuộc sống mà không bị lên án bởi hậu quả để lại từ hành động người đó thực hiện trong quá khứ và họ được phép đề nghị, yêu cầu gỡ bỏ khỏi Internet những thông tin, hình ảnh, video có liên quan tới mình để không thể tìm được trên các công cụ tìm kiếm.
Ví dụ, một người phạm tội sau khi chấp hành xong án phạt và đã được xóa án tích có thể đề nghị các bên thứ ba không công khai tiền án của họ, nhằm mong muốn quá trình tái hòa nhập xã hội được thuận lợi hơn. Nên đây là quyền trao cho chủ thể của thông tin (thông tin nhắc đến chủ thể, thông tin cá nhân chủ thể tự cung cấp…) quyền xóa bỏ, hoặc yêu cầu xóa bỏ toàn bộ thông tin liên quan đến mình khỏi các kết quả tìm kiếm trên Internet và các nền tảng lưu trữ khác trong một số trường hợp nhất định, tại một thời điểm nhất định nhằm mục đích không cho phép bên thứ ba truy cập thông tin.
Quyền được lãng quên có mối quan hệ chặt chẽ với quyền riêng tư, tuy nhiên quyền được lãng quên khác biệt cơ bản so với quyền riêng tư. Đối tượng của quyền riêng tư là thông tin cá nhân không được công chúng biết đến, trong khi đối tượng của quyền lãng quên lại là thông tin từng được công chúng biết đến trong một thời điểm nhất định trước đó, nhưng hiện tại cá nhân có liên quan không muốn để bên thứ ba tiếp cận.
Cũng có nhiều quan điểm không ủng hộ quyền này vì cho rằng có thể xâm phạm vào quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí. Hiện một số quốc gia công nhận quyền này, như các nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ quyền được lãng quên rất khó, bởi chúng ta ai cũng dễ dàng trở thành người truyền tải thông tin, cung cấp dữ liệu cá nhân lên mạng xã hội như Facebook, Zalo… Thông tin này có thể được nhiều người tiếp cận cùng một thời điểm và ở những nơi khác nhau, sau đó được lưu trữ và chuyển tiếp với nhiều hình thức khác nhau. Nên nhiều trường hợp để xác định thông tin nào cần xóa theo mong muốn của chủ dữ liệu là một vấn đề tương đối khó, sau đó còn phải cân bằng với các quyền cơ bản khác của con người như quyền tự do thông tin, quyền riêng tư.
Hơn nữa, ranh giới xác định các quyền này rất khó, giữa sự thật khách quan, tự do thông tin, bảo vệ quyền của nạn nhân với việc bảo vệ quyền riêng tư và quyền được lãng quên sau này. Kể cả trường hợp khi nhân vật đồng ý cho báo chí phỏng vấn đưa tin lên nhưng sau đó họ không muốn xuất hiện nữa, muốn quên đi hoàn cảnh của mình thì có gỡ thông tin này hay không là câu chuyện khá phức tạp.
Vì vậy, để đưa ra quyết định có xóa bỏ thông tin hay không trên cơ sở yêu cầu của cá nhân, cần dựa vào so sánh các quyền lợi đời sống riêng tư của cá nhân và quyền tự do thông tin trong từng bối cảnh, từng tình huống cụ thể.
Bảo vệ quyền riêng tư và quyền được lãng quên theo pháp luật Việt Nam
Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Đây là văn bản gây tranh luận nhiều trước khi được thông qua, trong đó có các quy định có liên quan đến sự riêng tư trong hoạt động tố tụng, cụ thể là phạt tiền từ 7-15 triệu đồng đối với hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không chỉ phạt tiền mà còn tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, và buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh, số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Và theo điều 101, 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính với cá nhân có hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác (như bí mật gia đình) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin; còn với các tổ chức thì bị phạt từ 10-20 triệu nếu tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, quy định này chưa lượng hóa chế tài trong trường hợp hành vi tiết lộ thông tin cá nhân, bí mật đời tư lan tỏa mức độ ít hoặc nhiều. Bởi lẽ, nếu thông tin lan tỏa ít, thì mức xử phạt như trên là phù hợp, nhưng trường hợp những người nổi tiếng có nhiều người theo dõi, nhiều người chia sẻ thông tin mà tiết lộ bí mật riêng tư của một người, dẫn đến thông tin tràn ngập trên Internet và dán nhãn, đặt tên luôn cho nạn nhân thì mức xử phạt như hiện nay là không tương thích với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, người có tiền sẵn sàng chịu nộp phạt để thực hiện hành vi vi phạm.
Ở Ai Cập cũng bắt đầu phân hóa hành vi vi phạm dựa trên mức độ lan tỏa thông tin. Cụ thể năm 2018 Quốc hội nước này đã ban hành quy định tài khoản và blog có hơn 5.000 người theo dõi trên các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter được coi là phương tiện truyền thông, nếu đưa tin giả, tin sai sự thật sẽ bị truy tố.
Đối với quyền được lãng quên thì chưa có quy định điều chỉnh trực tiếp. Tuy nhiên, một tín hiệu vui là trong dự thảo “Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân” có một số quy định liên quan tới quyền được lãng quên. Đó là quy định trường hợp dữ liệu được công bố không cần xin phép và trường hợp phải xóa dữ liệu (chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân và xóa dữ liệu khi chủ thể mất).
Cụ thể, dự thảo nghị định này quy định các trường hợp tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, đó là: theo quy định của pháp luật; công bố thông tin là cần thiết vì lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vì mục đích quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; hoặc trên phương tiện truyền thông theo quy định của Luật Báo chí, không gây thiệt hại về kinh tế, danh dự, tinh thần, vật chất cho chủ thể dữ liệu; hoặc trường hợp khẩn cấp, nguy cơ đe dọa tới tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cho chủ thể dữ liệu hoặc sức khỏe cộng đồng.
Ngoài thông tin được công khai trên, thì bên xử lý dữ liệu cá nhân, bên thứ ba phải chấm dứt ngay việc tiết lộ dữ liệu cá nhân khi chủ thể dữ liệu yêu cầu. Đồng thời có quy định bên xử lý dữ liệu ngừng lưu trữ, xóa dữ liệu và hủy phương tiện lưu trữ dữ liệu cá nhân trong trường hợp: (1) không đúng mục đích xử lý dữ liệu cá nhân đã đăng ký hoặc thông báo với chủ thể dữ liệu; (2) việc duy trì lưu trữ dữ liệu cá nhân không còn cần thiết; (3) sau 20 năm sau khi chủ thể dữ liệu chết, trừ khi chủ thể dữ liệu có quyết định khác.
Vì vậy, đã đến lúc cần ban hành Luật Bảo vệ quyền riêng tư nhằm cân bằng giữa quyền tự do thông tin, quyền riêng tư, quyền được lãng quên, đồng thời có cơ sở pháp lý rõ ràng để xác định ranh giới các quyền này. Điều này cũng phù hợp với quy định tại điều 21 Hiến pháp 2013 “thông tin về đời sống riêng tư, về bí mật cá nhân, về bí mật gia đình được đảm bảo an toàn và bí mật”.
Đồng thời, xử lý vi phạm thì nên lượng hóa chế tài đối với hành vi tiết lộ thông tin cá nhân, bí mật đời tư dựa trên mức độ của sự lan tỏa thông tin càng lớn, thì phạt thật nặng để răn đe với những người đã vi phạm trong thời gian qua.
TS. Thái Thị Tuyết Dung - Trường Đại học Kinh tế - Luật
TBKTSG
|