Fed và nhiều ngân hàng trung ương đang lỗ nặng
Nói chuyện lời lỗ, người ta thường nghĩ đến các ngân hàng thương mại. Thế nhưng ngân hàng trung ương các nước cũng đang thua lỗ nặng, nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Ở Anh, Bộ Tài chính nước này sắp chuyển cho Bank of England (BoE), tức ngân hàng trung ương của Anh, hơn 11 tỉ bảng trong năm tài khóa này để bù đắp các khoản lỗ do mua trái phiếu. Những năm trước đây BoE mua trái phiếu là để thực hiện chính sách nới lỏng định lượng. Mua trái phiếu sẽ có tác dụng bơm tiền vào lưu thông, giảm lãi suất nên sẽ kích thích chi tiêu và đầu tư. Từ năm 2009-2021 BoE mua đến 895 tỉ trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất thấp đến mức gần về 0%.
Tuy nhiên nay khi lãi suất tăng, giá trái phiếu giảm, làm số trái phiếu trị giá 838 tỉ bảng của BoE so với giá thị trường có khả năng lỗ chừng 200 tỉ bảng. Những năm trước BoE lại có lời, đã chuyển cho Bộ Tài chính đến 120 tỉ bảng tiền lãi từ năm 2009.
Ở Mỹ, tình hình cũng tương tự; đảo ngược từ chỗ Bộ Tài chính Mỹ năm ngoái nhận được 100 tỉ đô la tiền lãi do Fed chuyển giao, năm nay Fed có khả năng thua lỗ chừng 80 tỉ đô la. Những năm đại dịch, để kích thích nền kinh tế và giải cứu doanh nghiệp Fed liên tục mua vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Nay lạm phát gia tăng, lãi suất liên tục được nâng lên, các khoản trái phiếu đã mua đang mất giá trầm trọng. Mức độ thua lỗ của Fed và BoE còn do lãi suất các ngân hàng trung ương trả cho các khoản dự trữ do ngân hàng thương mại gửi đang tăng theo đà tăng chung của lãi suất.
Jerome Haegeli, kinh tế trưởng tại hãng tái bảo hiểm Swiss Re, cũng từng làm cho Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ nói với hãng tin Bloomberg: “Vấn đề đối với sự thua lỗ của các ngân hàng trung ương không phải là bản thân mức lỗ là bao nhiêu – bởi họ sẽ được tái cấp vốn. Nhưng chủ yếu là các phản ứng bất lợi về mặt chính trị mà các ngân hàng trung ương này sẽ gánh chịu”.
Những phê phán về chính sách nới lỏng định lượng cũng như chính sách mua trái phiếu, tung tiền vào lưu thông trước đã gay gắt nay còn thêm yếu tố thua lỗ cuối cùng cũng do người dân đóng thuế gánh chịu.
Bloomberg cũng cung cấp số liệu cho thấy ngân hàng trung ương nhiều nước khác cũng đang thua lỗ. Reserve Bank of Australia (Ngân hàng Trung ương Úc) công bố khoản lỗ 36,7 tỉ đô la Úc trong năm tài khóa vừa kết thúc vào tháng 6, làm vốn sở hữu âm đến 12,4 tỉ đô la Úc.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, ông Klaas Knot, vừa cho biết ông dự báo lỗ lũy kế của ngân hàng trung ương nước này sẽ ở mức 9 tỉ euro trong những năm sắp tới. Swiss National Bank (Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ) báo cáo mức lỗ 95,2 tỉ francs trong sáu tháng đầu năm nay do giá trị dự trữ ngoại tệ của họ giảm sút mạnh. Đây là mức lỗ sáu tháng đầu năm cao nhất kể từ khi ngân hàng này được thành lập vào năm 1907.
Thật ra ngân hàng trung ương có chức năng tạo ra tiền (khi họ mua trái phiếu chẳng hạn) nên thua lỗ chỉ có ý nghĩa kế toán chứ không ảnh hưởng đến hoạt động của chúng. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Úc, Michele Bullock cho rằng mức vốn sở hữu âm không có tác động gì đến năng lực điều hành của họ.
Tuy nhiên trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước đang bị phê phán là không lường trước mức độ lạm phát cũng như không có biện pháp kịp thời chặn đà lạm phát lan rộng, nay mức thua lỗ được công bố càng như thanh nam châm thu hút thêm các lời chê trách khác từ phía công luận.
Chẳng hạn Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) từng bị phê phán là việc mua trái phiếu chính phủ đã làm mờ đi ranh giới giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Nay thua lỗ vì mua trái phiếu càng tăng trọng lượng cho các lời phê phán này.
Khi lạm phát đang ở mức gấp 5 lần mức ECB mong muốn, họ buộc phải bán số trái phiếu đang nắm giữ hút tiền về – một quá trình tạm gọi là thắt chặt định lượng – và quá trình này càng làm cho mức thua lỗ cao hơn. Vì thế chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát có thể bị phản đối và một trong những lý do được đưa ra sẽ là chuyện thua lỗ.
Nguyễn Vũ
TBKTSG
|