USD tăng mạnh sau cuộc họp của Fed
Chỉ số USD bật tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần sau cuộc họp của Fed. Đồng USD mạnh lên đã đè nặng lên đồng euro, đồng bảng và chứng khoán Mỹ.
Việc Fed có thể tăng lãi suất cao hơn dự kiến hỗ trợ đồng USD. Ảnh: Reuters.
|
Theo dữ liệu của Trading Economics vào cuối ngày 3/11 (giờ Việt Nam), chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ chính khác - có lúc vượt ngưỡng 113 điểm trong vòng 24 giờ qua, đánh dấu mức cao nhất trong gần 2 tuần, rồi giảm nhẹ về 112,8 điểm, tăng 1,35% so với một ngày trước đó.
Nói với Zing, ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - cho rằng các động thái mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thúc đẩy đồng USD.
Trong cuộc họp chính sách ngày 2/11 (theo giờ địa phương), Fed đã quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.
Đáng nói, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bác bỏ ý kiến cho rằng Fed sớm tạm dừng tăng lãi suất. Ông nhấn mạnh rằng "lãi suất cuối cùng" sẽ cao hơn dự báo được đưa ra trong cuộc họp tháng 9. Thời điểm Fed dừng tăng lãi suất do đó có thể xa hơn.
Chỉ số USD tăng mạnh trong vòng 24 giờ qua, sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. Ảnh: Trading Economics.
|
Chu kỳ tăng lãi suất sẽ dài hơn dự kiến?
Đồng euro và bảng Anh đều chịu sức ép từ sức mạnh của đồng USD. Bảng Anh giảm 1,75% so với USD xuống còn 1,11783 USD đổi 1 bảng Anh.
Trong khi đó, euro giảm giá trị 0,59% so với USD. Hiện, 1 euro chỉ đổi được 0,975 USD. Các tiền tệ khác như AUD và NZD đều lao dốc quanh mức 0,7% so với USD.
"Khi giới đầu tư tin rằng Fed sẽ ôn hòa hơn trong việc thắt chặt chính sách, vốn là điều mà họ mong chờ, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã giáng đòn mạnh vào thị trường", ông Craig Erlam bình luận với Zing.
Đồng euro và bảng Anh đều giảm mạnh so với USD. Ảnh: Trading Economics.
|
Bước sang phiên giao dịch ngày 3/11, chứng khoán Mỹ vẫn chìm trong sắc đỏ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất thêm 61,27 điểm, tương đương 0,19%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng lao dốc lần lượt 23,85 điểm (0,63%) và 113,15 điểm (1,08%).
Kết thúc phiên 2/11, Dow Jones mất 505,44 điểm, tương đương 1,55%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 96,41 điểm (2,5%) và 366 điểm (3,36%).
Thông báo của Fed khẳng định các quyết định trong tương lai sẽ tính đến "tổng mức thắt chặt tiền tệ, độ trễ của tác động lên hoạt động kinh tế và lạm phát, tình hình kinh tế, tài chính". "Đó là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ thắt chặt trong tháng 12", ông Erlam bình luận.
"Đó chính xác là những gì giới đầu tư muốn nghe. Nhưng ngay sau đó, chủ tịch Fed khẳng định mức lãi suất cuối cùng có thể cao hơn dự kiến và họ vẫn còn chặng đường phải đi", vị chuyên gia nói thêm.
Sẵn sàng trả giá bằng suy thoái
"Giọng điệu trong các bình luận của ông Powell khá 'diều hâu'. Điều đó có nghĩa là Fed sẽ vẫn quyết liệt trong việc chống lạm phát và lãi suất có thể tăng cao hơn dự kiến", ông Jack McIntyre - Giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global - bình luận.
Trước bài phát biểu của ông Powell, giới quan sát tin rằng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 12.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản tổng cộng 3,75 điểm phần trăm kể từ đầu năm. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Theo ông Erlam, việc giảm tốc độ tăng lãi suất cho Fed thời gian để nhận thấy sự cải thiện về dữ liệu, và dễ dàng giảm phanh để giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế. Nhưng nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, Mỹ sẽ khó tránh một cuộc suy thoái hơn.
Chủ tịch Fed đã nhiều lần khẳng định sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kìm hãm lạm phát. Ảnh: Reuters.
|
Tại buổi họp báo, ông Powell cũng được hỏi rằng liệu cánh cửa để kinh tế Mỹ thoát khỏi một cuộc suy thoái có đang hẹp lại hay không. "Có", chủ tịch Fed thừa nhận.
"Nhưng việc tránh khỏi một cuộc suy thoái có khả thi hay không? Câu trả lời cũng là có", ông nói thêm. Nhưng vị chủ tịch Fed thừa nhận rằng mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn.
"Các chính sách cần được thắt chặt hơn, và điều đó thu hẹp cánh cửa dẫn tới một cú 'hạ cánh mềm'", ông Powell nhận định.
Thảo Phương
Zing.vn
|