Dầu quay đầu giảm do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc
Giá dầu quay đầu giảm vào ngày thứ Năm (03/11), khi Trung Quốc duy trì thực hiện chính sách zero-COVID và sự gia tăng lãi suất Mỹ đã thúc đẩy đồng USD, làm tăng lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Tuy nhiên, đà suy giảm đã bị kìm hãm bởi những lo ngại về nguồn cung khan hiếm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 1.49 USD (tương đương 1.5%) xuống 94.67 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1.83 USD (tương đương 2.0%) còn 88.17 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng hơn 1 USD vào ngày thứ Tư (02/11), được hỗ trợ bởi đà sụt giảm dự trữ dầu tại Mỹ, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết còn quá sớm để xem xét việc tạm ngừng nâng lãi suất.
Điều đó đã khiến đồng USD tăng cao vào ngày thứ Năm, với việc ông Powell chỉ ra rằng lãi suất Mỹ có thể đạt đỉnh cao hơn kỳ vọng hiện tại của nhà đầu tư.
Đồng USD mạnh làm giảm nhu cầu dầu vì làm hàng hoá này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác.
Số lượng người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ bất chấp nhu cầu nội địa chậm lại trong bối cảnh Fed nâng lãi suất mạnh để kiềm chế lạm phát.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất thắt chặt chính sách.
Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) đã nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1989, tuy nhiên, cũng cảnh báo nước Anh sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi sau khi cơ quan y tế duy trì chính sách phong tỏa nghiêm ngặt, làm giảm hy vọng của nhà đầu tư về việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa đang ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Ngoài ra, tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc có thể giảm lần đầu tiên trong năm 2022 sau 2 thập kỷ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, với nhu cầu vào mùa đông năm nay sẽ tăng thấp hơn so với những năm trước, các quan chức năng lượng Nhà nước cho biết.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vào ngày 02/11 đã cam kết rằng tăng trưởng kinh tế vẫn là một ưu tiên.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã bị kìm hãm bởi kỳ vọng thị trường dự kiến khan hiếm trong những tháng tới.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|