CEO Lazada: Thương mại điện tử phải hợp tác với bán lẻ truyền thống để tăng trưởng
Các công ty thương mại điện tử trên khắp thế giới đã tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt đại dịch COVID-19, do lệnh phong toả buộc người dân phải tìm đến mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, James Dong, giám đốc điều hành của sàn thương mại điện tử Lazada, cho biết họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Dong nói trên chương trình “Squawk Box Asia” gần đây của CNBC rằng: “Một mặt, số lượng đơn đặt hàng của tăng lên mà khách hàng lại muốn nhận được hàng đúng giờ với tình trạng tươi ngon. Mặt khác, nguồn cung, cơ sở hạ tầng… lại đang gặp khó. Trong thời kỳ đại dịch hoành hành, rất khó để đẩy mạnh những yếu tố đó”.
Để giải quyết một số thách thức, thị trường kinh doanh trực tuyến ở Đông Nam Á đã phải hợp tác với các công ty bán lẻ truyền thống, ông Dong cho hay. “Ví dụ, chúng tôi đã có một thoả thuận hợp tác với tập đoàn Masan tại Việt Nam. Họ có rất nhiều cửa hàng tạp hoá vật lý và chúng tôi làm việc với họ để giao hàng từ cửa hàng của họ tới người tiêu dùng”.
Tháng 05/2021, một liên doanh do Alibaba và Baring Private Equity Asia thành lập đã đầu tư 400 triệu USD vào CrownX, công ty bán lẻ của CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN).
Ông Dong, người trước đây là giám đốc điều hành của Lazada Thái Lan và Việt Nam, khẳng định: “Đại dịch COVID-19 rõ ràng là yếu tố giúp đẩy nhanh kiểu quan hệ đối tác này. Chúng tôi nhận ra rằng không ai có thể phục vụ tất cả nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, tốt hơn hết là chúng tôi nên hợp tác, tập trung toàn bộ sức mạnh để phục vụ họ”.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đình trệ lâu nay do các chính sách Zero COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc, thời tiết xấu và tình trạng thiếu lao động. Kết quả, các “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc ghi nhận kết quả kinh doanh quý 2 tệ chưa từng thấy. Chẳng hạn như Alibaba lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng doanh thu hàng quý đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Dong, xu hướng hợp tác giữa các nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng truyền thống sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới khi doanh nghiệp cố gắng giải quyết vấn đề về nguồn cung. “Ranh giới giữa thế giới trực tuyến và ngoại tuyến phải được giảm bớt hơn nữa”.
Kim Dung (Theo CNBC)
FILI
|