Vì sao Trung Quốc vẫn phong tỏa nhiều thành phố
Các chuyên gia y tế công cộng Trung Quốc cho rằng các yếu tố chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc Bắc Kinh vẫn duy trì chính sách "Zero Covid", đi ngược xu thế chung của thế giới.
Đường phố Thành Đô, thủ phủ 21 triệu dân của tỉnh Tứ Xuyên, vắng lặng sau lệnh phong tỏa. Ảnh: CNN
|
Trên 70 thành phố của Trung Quốc đã được đặt trong tình trạng đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần do dịch COVID-19 chỉ từ tháng 8 vừa qua, ảnh hưởng tới hơn 300 triệu người dân. Các quyết định phong tỏa được đưa ra trong bối cảnh các chính quyền địa phương gấp rút dập tắt dịch bệnh bằng mọi giá.
Theo tính toán của đài CNN, kể từ ngày 20/8, ít nhất 74 thành phố với tổng dân số 313 triệu người đã áp dụng các biện pháp phong tỏa trên toàn bộ thành phố, toàn quận, hoặc nhiều khu vực dân cư. Số này bao gồm 15 thủ phủ tỉnh và Thiên Tân, một đô thị lớn cấp tỉnh. Nhiều hạn chế tới thời điểm hiện tại vẫn đang được áp dụng.
Tạp chí Caixin của Trung Quốc cho hay có 33 thành phố hiện đang bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần. Các chuyên gia cho rằng thêm nhiều thành phố nữa sẽ được bổ sung vào danh sách trên trong những tuần tới.
Những hạn chế sâu rộng nhằm chặn dịch đã ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp, trái ngược hoàn toàn với cuộc sống bình thường đã trở lại trên hầu khắp thế giới khi các cộng đồng xác định sống chung với virus.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn khẳng định rằng chính sách Zero-Covid đang cứu sống nhiều sinh mạng. Các quan chức y tế cho rằng tỉ lệ tiêm vaccine cho người cao tuổi tương đối thấp và dịch vụ y tế nông thôn còn thiếu là những trở ngại cho việc nới lỏng các hạn chế. Các chuyên gia y tế công cộng Trung Quốc cho rằng các yếu tố chính trị cũng đóng vai trò quan trọng.
Người dân Thành Đô đổ xô đi mua sắm hàng hóa thiết yếu trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Ảnh: CNN
|
Trung Quốc đang trong thời gian chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, dự kiến khai mạc ngày 16/10 tại Bắc Kinh. Và theo các chuyên gia, Trung Quốc đang cố gắng để dịch bệnh không ảnh hưởng tới việc tổ chức sự kiện quan trọng này.
Ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận xét: “Đảng muốn đảm bảo rằng không có bất cứ điều gì bất ổn, chẳng hạn như một đợt bùng dịch lớn”.
Trung Quốc đã sử dụng chiến lược Zero-Covid nhất quán kể từ khi đại dịch bắt đầu cho tới nay. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố “kiên quyết đấu tranh chống lại bất cứ lời lẽ và hành động nào xuyên tạc, nghi ngờ hoặc phủ nhận” chính sách Zero-Covid.
Các quan chức chính quyền trên khắp đất nước đã lĩnh hội chỉ đạo này. Bài học chính mà họ học được từ Thượng Hải là phải hành động lập tức và quyết đoán hơn khi đối mặt với ngay cả những ổ dịch tiềm tàng nhỏ nhất.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên ngày 2/9/2022. Ảnh: CNN
|
Ông Huang cho rằng: “Điều này tạo ra động lực mạnh mẽ để họ tiến hành các biện pháp phòng ngừa nặng tay. Trong khoảng tháng rưỡi tới, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều thành phố bị phong tỏa".
Các lệnh phong tỏa đã tấn công nhiều đô thị lớn với trên 10 triệu dân và cả các trung tâm công nghiệp quan trọng. Ở tây nam Trung Quốc, siêu thành phố Thành Đô, nơi sinh sống của 21 triệu người, đã bị phong tỏa hôm 1/9.
Ngày 4/9, nhà chức trách đã gia hạn phong tỏa với hầu hết thành phố này và yêu cầu tiến hành xét nghiệm quy mô lớn. Hệ thống kỹ thuật số đăng ký xét nghiệm COVID của thành phố đã liên tục “sập” vì quá tải, khiến dân chúng phải xếp hàng dài tại các điểm xét nghiệm.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các thành phố nhỏ hơn. Đại Khánh, thành phố có 2,7 triệu cư dân nổi tiếng với các mỏ dầu ở tỉnh Hắc Long Giang, cũng đã phong tỏa các quận lớn sau khi ghi nhận hàng trăm ca mắc COVID-19 vào tuần trước.
Thu Hằng
Báo Tin tức
|