Người Việt giỏi giang, thông minh nhưng tại sao chưa cách tân được công nghiệp?
“Chúng ta tự hào là người Việt giỏi nhưng sao chưa cách tân được công nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế”, doanh nhân Mai Hữu Tín đặt vấn đề và mơ "một ngày được nhìn thấy các doanh nghiệp nội thâu tóm hãng xe lớn của thế giới".
Những nhà máy không công nhân
Năm 1997, ông Trần Bá Dương khởi nghiệp từ một xưởng sửa chữa xe nhỏ ở Biên Hòa (Đồng Nai). Đến nay, có thể nói, Thaco của ông đã trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành lớn khu vực ASEAN. Hiện, Thaco có thể hỗ trợ nhóm DN vừa và nhỏ liên kết theo sau, trở thành đối trọng với các tập đoàn nước ngoài. Từ vùng đất cát trắng tại Chu Lai (Quảng Nam) vào năm 2003, nay những nhà máy thông minh của tập đoàn đã mọc lên, từ lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng, linh kiện cơ khí theo hướng tự động hóa và ứng dụng công nghệ số.
Câu chuyện trên được Tổng Giám đốc Thaco - ông Phạm Văn Tài - đưa ra làm dẫn chứng tại Diễn đàn Cách tân công nghiệp - Industry Innovation Forum 2022 do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức chiều 20/9.
Thaco thực tế đã có nhà máy thông minh sản xuất nhíp ô tô. Việc điều hành nhà máy dựa trên nền tảng số hóa và hệ thống MES (Manufacturing execution system - hệ thống điều hành sản xuất). Các dây chuyền tự động kết nối với nhau, xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng đến giao hàng. Việc ứng dụng công nghệ một phần giúp tổ hợp nhà máy lắp ráp ô tô Thaco chuẩn hóa theo tiêu chuẩn toàn cầu. Các dòng xe như Kia, Mazda, Peugeot dù được sản xuất tại Việt Nam, hay tại bất kỳ đâu, chất lượng cũng như nhau. Thậm chí, cảm biến sensor khi gắn vào chiếc Mazda CX-5 còn cho thấy tay nghề của công nhân Việt Nam khéo hơn, các khe hở trên xe đều, đẹp hơn. Hiện, tỷ lệ nội địa hóa tại DN khá cao, dòng xe bus tới 60%; xe tải là 45% và xe du lịch từ 20-40%.
Cánh tay robot tại một nhà máy sản xuất ô tô (ảnh: Hoàng Hà)
|
Một ví dụ khác về mô hình sản xuất thông minh cũng được bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đưa ra, đó là những nhà máy không có người của Samsung. Tập đoàn này có khoảng 60 nhà máy như thế trên toàn thế giới.
AI (trí tuệ nhân tạo) và Big Data (dữ liệu lớn) đã được tận dụng, kết nối tất cả hệ thống nhà máy của Samsung với nhau, tiếp đó, AI phân tích diễn biến trên thị trường toàn cầu, nhu cầu sử dụng. Dựa trên dữ liệu phân tích tổng hợp, hoạt động sản xuất bên trong nhà máy có thể biết trước xu hướng thị trường; phán đoán được sự thừa, thiếu về nguyên, nhiên liệu phát sinh, từ đó tối ưu hóa nguồn lực sản xuất của Samsung.
Doanh nghiệp Việt quá chú trọng vào ‘cơ bắp’
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch và CEO của IBP - đánh giá, việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được giới DN Việt áp dụng trong nhiều thập kỷ qua, nhưng chỉ có một số ít các DN tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến, không chỉ để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo ra giá trị, mang lại lợi ích cho khách hàng, người lao động, xã hội và môi trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, nhận định, để một nền kinh tế tự chủ, khu vực công nghiệp phải đóng góp tối thiểu 30% trong cơ cấu GDP. Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam đang xác định con số này ở mức 40%, trong đó lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm khoảng 30%.
Nếu bỏ qua khâu tạo ra giá trị, doanh nghiệp Việt sẽ thua (ảnh minh họa: Hoàng Hà)
|
Giá trị gia tăng hướng đến vào năm 2030 trong hoạt động chế biến chế tạo cần đạt 2.000 USD/người, muốn đạt được con số này thì sự tụt hậu về năng suất của Việt Nam cần phải khắc phục. DN có thể nhập khẩu công nghệ nhưng không thể nhập khẩu đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo phải được sáng tạo ra tại chỗ và dựa vào con người.
Đồng quan điểm, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, cho rằng, tự thân DN cũng khó chuyển đổi thành công nếu không có nhân sự phù hợp. Nhìn vào sản phẩm đầu ra hiện tại của hệ thống trường và viện tại Việt Nam, thật khó tin là có thể sử dụng nguồn lực này. Hầu hết nhân sự phải được đào tạo thêm hoặc sử dụng kết hợp với nguồn lực đến từ các nước phát triển.
“Chúng ta tự hào là người Việt giỏi giang, thông minh và hiếu học, nhưng tại sao chưa cách tân được công nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Tín đặt vấn đề.
“Sẽ đáng tự hào hơn nếu một ngày nào đó được nhìn thấy các doanh nghiệp của Việt Nam trong ngành ô tô, giống Geely của Trung Quốc thâu tóm hãng xe Volvo (Thụy Điển) hay Tata của Ấn Độ mua Jaguar Land Rover (Anh)”.
Theo ông Tín, thế giới đang xoay chuyển theo hướng hình thành và phát triển dựa vào những bộ óc nhiều hơn là cơ bắp. Khi chỉ biết tập trung vào sản xuất tức là DN Việt vẫn đang chỉ tập trung vào phát triển cơ bắp, hãy nghĩ đến việc phát triển thêm bộ óc thì mới có cơ may so kè cùng các nước phát triển. Chúng ta đã làm sản xuất khá lâu rồi, nhưng nếu cứ bỏ mặc những khâu tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nữa thì dù có thông minh mấy, vẫn sẽ thua.
Trao đổi với PV. VietNamNet, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV cho hay, khảo sát mà Ban IV sắp công bố, báo cáo Thủ tướng tới đây sẽ chỉ ra mức độ nhận thức và hiểu thấu của DN về chuyển đổi số còn ở mức thấp. Nhận thức của giới chủ DN chưa tới và còn rất khác nhau. Do đó, đơn vị này sẽ thực hiện các chương trình cụ thể, tập trung vào con người, tạo ra mặt bằng hiểu biết giống nhau của nhân sự chủ chốt trong các DN về chuyển đổi số. Sau đó, mới bàn giải pháp chi tiết về hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn hiện tại, nếu chủ DN quá vội vàng trong hoạt động đầu tư, tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số thì thất bại được dự đoán nhiều hơn thành công.
Trần Chung
Vietnamnet
|