Trung Quốc tụt lại trong cuộc đua tăng trưởng của châu Á
Lần đầu tiên trong hơn 30 năm, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng thấp hơn các quốc gia còn lại trong khu vực châu Á với mức tăng 3,3% trong năm nay.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang giảm tốc do các đợt bùng phát Covid-19 mới và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Reuters.
|
Theo báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố, các nước đang phát triển tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm nay, giảm so với dự báo 5,2% trong tháng 4.
Dự báo tăng trưởng cho năm tới đã được hạ từ 5,3% xuống 4,9%, trong khi dự báo lạm phát của khu vực tăng lên. Nếu loại bỏ Trung Quốc, phần còn lại của khu vực châu Á đang phát triển dự kiến tăng trưởng 5,3% trong cả năm 2022 và phần dự báo năm 2023.
Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 đã bị hạ từ 5% trong dự báo hồi tháng 4 xuống 3,3%. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ, các quốc gia còn lại của khu vực châu Á đang phát triển sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc.
Chi tiêu cho tiêu dùng và đầu tư trong nước đang dẫn dắt sự tăng trưởng khi các nền kinh tế trong khu vực tiếp tục nới lỏng những hạn chế do dịch bệnh, một phần nhờ vào vận động tiêm chủng và giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Tuy nhiên, theo báo cáo của ADB, chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn đã gia tăng bất ổn toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn nguồn cung, cũng như đảo lộn thị trường năng lượng và thực phẩm.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt hơn đang làm suy giảm nhu cầu toàn cầu và gây xáo trộn thị trường tài chính.
"Trong khi đó, các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ và những đợt phong tỏa mới đã làm cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất trong khu vực - tăng trưởng chậm lại", báo cáo của ADB viết.
“Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tiếp tục phục hồi, nhưng rủi ro tiềm ẩn rất lớn. Nền kinh tế thế giới suy thoái đáng kể sẽ làm suy yếu nghiêm trọng nhu cầu xuất khẩu của khu vực", ông Albert Park, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, nhận định.
"Việc các nền kinh tế tiên tiến thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn dự kiến có thể dẫn đến bất ổn tài chính", ông nói thêm.
Ngoài ra, tăng trưởng ở Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức từ tình trạng tái diễn phong tỏa và lĩnh vực bất động sản yếu kém.
"Các chính phủ ở các nước châu Á đang phát triển cần phải tiếp tục cảnh giác trước những rủi ro này và thực hiện các bước cần thiết để kiềm chế lạm phát mà không làm chệch hướng tăng trưởng", ông Park nhấn mạnh.
Các nền kinh tế tiên tiến lớn trên thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2022 và 1% vào năm sau, chậm hơn so với dự báo hồi đầu năm.
Lạm phát cao đã thúc giục Mỹ và khu vực đồng euro thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt. Điều này khiến nhu cầu ở các nền kinh tế này suy yếu, trong khi lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng và bất ổn do chiến sự tại Ukraine.
ADB đã nâng dự báo lạm phát ở các nền kinh tế châu Á đang phát triển trong năm nay từ dự báo trước đó là 3,7% lên 4,5%. Dự báo cho năm tới cũng tăng lên 4%. Trong khi lạm phát trong khu vực vẫn thấp hơn các khu vực khác thì sự gián đoạn nguồn cung tiếp tục đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu lên cao.
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã được hạ từ 7,5% xuống 7%, do lạm phát cao hơn dự kiến và chính sách thắt chặt tiền tệ.
Nhu cầu trong nước mạnh mẽ ở Indonesia và Philippines đang góp phần cải thiện triển vọng tăng trưởng 5,1% trong năm nay cho khu vực Đông Nam Á, mặc dù triển vọng nhu cầu toàn cầu yếu hơn đã khiến dự báo cho năm tới giảm xuống.
Thảo Phương
Zing
|