Lý do EVN lỗ gần 16.600 tỷ đồng nửa đầu năm
Giá các nguyên liệu sơ cấp tăng đột biến, đặc biệt sau chiến sự tại Ukraine đẩy chi phí sản xuất điện của tập đoàn tăng rất cao.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm với kết quả lỗ sau thuế hợp nhất 16.586 tỷ đồng. Sau 5 năm, đây là lần đầu EVN ghi nhận mức lợi nhuận thua lỗ.
Mặc dù doanh thu bán hàng đạt 221.231 tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng hơn 4% so với cùng kỳ, giá vốn bán hàng của doanh nghiệp này lại tăng hơn 225.440 tỷ đồng, khiến lỗ gộp từ bán hàng, dịch vụ hơn 4.200 tỷ đồng.
Ngoại trừ giá vốn bán hàng tăng mạnh khiến EVN lỗ nặng, các loại chi phí khác của EVN thay đổi không đáng kể so với cùng kỳ như chi phí tài chính tăng 2,4%, chi phí quản lý giảm 2,3% và chi phí bán hàng giảm 4,8%.
Nguyên liệu sản xuất điện tăng đột biến
Theo lý giải của tập đoàn, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao.
Về giá than, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine, giá than đã vượt xa mức tăng của dầu thô, khí tự nhiên và các loại năng lượng truyền thống khác. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá than ngày 19/9 ghi nhận ở mức 439 USD/tấn, tăng 147.32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến hết ngày 15/7, kim ngạch nhập khẩu than vào khoảng 4,7 tỷ USD, bình quân khoảng 5,8 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so với giá bình quân nhập khẩu than cùng kỳ 2021 (tổng kim ngạch 2,1 tỷ USD, bình quân giá than là 2,1 triệu đồng/tấn).
Với mặt hàng than các loại, trong tháng 7 cả nước nhập khẩu 2,76 triệu tấn với kim ngạch 675 triệu USD, giảm 37,4% về lượng và giảm 41,5% về trị giá so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, nhập khẩu than các loại đạt gần 19,55 triệu tấn, giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng kim ngạch đạt gần 5 tỷ USD, tăng tới 120,5%, tương ứng tăng 2,73 tỷ USD. Nhập khẩu than các loại tập trung từ 3 thị trường chính là Australia với 10,5 triệu tấn, Indonesia với 6,2 triệu tấn, Nga với 1,5 triệu tấn.
Tương tự, xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá khí LNG trên thị trường thế giới rung lắc mạnh. VnDirect dẫn báo cáo IEA dự báo giá khí sẽ tiếp tục neo ở mức cao đến hết năm. Trong đó, giá khí LNG Châu Á dự báo đạt 32 USD/triệu BTU và giá khí tự nhiên của Mỹ Henry Hub sẽ đạt 5,5 USD/triệu BTU trong năm nay.
Diễn biến giá than và khí đốt vài năm trở lại đây. Ảnh: Trading Economics.
|
Tại một hội thảo diễn ra vào đầu tháng 4, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng thừa nhận giá các nguyên liệu sơ cấp đã tăng rất nhanh, đặc biệt sau chiến sự tại Ukraine.
Cụ thể, giá than trước đây khoảng 60-70 USD/tấn nhưng nay đã tăng lên hơn 220 USD/tấn. Giá khí LNG cũng thay đổi 6-8 USD/triệu BTU thì nay lên khoảng 20 USD/triệu BTU. Giá sắt thép vật liệu xây dựng để thực hiện các dự án nguồn, truyền tải điện cũng tăng.
"Các yếu tố này khiến ngành điện chịu áp lực đầu vào (đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh), trong khi giá bán đầu ra 3 năm nay chưa được điều chỉnh", ông đánh giá.
Giá điện có nguy cơ tăng?
Thống kê của Global Petrol Prices cho thấy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia có mức giá điện bình quân thấp so với các quốc gia trong khu vực, ở mức 0,080 USD/kWh. Giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 50% so với Philippines - quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,161 USD/kWh).
Theo báo cáo của EVN với Bộ Công Thương hồi tháng 7, giá điện đang đứng trước áp lực lớn khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt từ đầu năm. Chẳng hạn, bình quân giá than trộn của TKV, Tổng công ty Đông Bắc đã tăng 63%. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD/tấn. Dầu thô Brent lên 104,4 USD/thùng, gấp gần 2,5 lần.
Tập đoàn này tính toán giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 lên mức 1.915,59 đồng/kWh. Mức này cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá).
Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cho biết đơn vị cam kết với Chính phủ năm 2022 sẽ cân đối chi phí trong sản xuất điện, để không phải tăng giá. "Chúng ta sẽ cân đối làm sao, chi phí, giá cả các nguồn điện ở mức hợp lý nhất để phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là sau quá trình phục hồi do đại dịch Covid-19", ông Nguyễn Tài Anh khẳng định.
Giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019. Ảnh: EVN.
|
Trước áp lực tăng giá điện, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu trước mắt trong thời gian tới xem xét chưa điều chỉnh tăng, tuy nhiên trước áp lực tăng giá của các nguyên liệu đầu vào cần tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí để giữ ổn định giá điện.
Theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân.
Thanh Thương
ZING
|