Việt Nam cần có các hãng tàu lớn
Việc thiếu các hãng tàu của riêng mình khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các hãng tàu nước ngoài chi phối, gây không ít khó khăn cho DN xuất khẩu.
EVFTA mở ra cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà
|
Tại Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy ngành logistics tận dụng cơ hội từ EVFTA” ngày 22/9, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), cho biết, sau hai năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, khả năng tận dụng các ưu đãi từ hiệp định này của các DN đang tăng lên.
Xuất khẩu sang thị trường EU năm 2021 tăng trưởng khoảng 14% và trong 8 tháng đầu 2022 tăng trưởng khoảng 15%. Theo ông Khanh, năm 2021 tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi khoảng 14% nhưng đến năm 2022, tỷ lệ tận dụng "là gần 25%".
Tuy nhiên, ông Lê Hoành Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, chia sẻ: Chi phí logistics là một chi phí rất lớn khi xuất khẩu sang EU.
Việc Việt Nam thiếu các hãng tàu của mình khiến hàng xuất khẩu Việt Nam bị các hãng tàu nước ngoài chi phối, gây không ít khó khăn cho DN xuất khẩu.
"Đặc biệt là những lúc như Trung Quốc phong tỏa vì chiến lược Zero Covid-19, nếu không điều động được container rỗng thì chúng ta không chủ động được nguồn tàu; do vậy không kiểm soát được các chi phí đó", ông Nhựt nói.
Vì thế, đại diện Cao su Đà Nẵng kiến nghị Việt Nam cũng nên phát triển trung tâm logistics tại các cảng lớn để đảm bảo được lượng tàu vào ra cho phù hợp. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên đầu tư các hãng tàu để giữ thế chủ động, như thế mới làm chủ được cuộc chơi này.
Thừa nhận rất khó cạnh tranh về logistics với các ông lớn nước ngoài như DKL hay Maersk, ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group thẳng thắn chia sẻ: "Tạm thời chúng tôi là những đại lý, gọi là hợp tác với các hãng lớn làm thầu phụ cho họ, để gia tăng sự hiện diện của chúng tôi đối với các doanh nghiệp châu Âu cũng như là tăng thêm công việc".
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng EU là một trong những thị trường truyền thống của Việt Nam. Khi Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với cả EU thì khối lượng thương mại hàng hóa trao đổi cũng gia tăng rất nhiều. Đặc biệt, trong đó có những mặt hàng mà có khối lượng vận chuyển lớn, ví dụ như hàng dệt may, hàng da giày hay thủy sản.
"Để đưa được những mặt hàng này đến được khu vực của EU với chi phí hợp lý, đảm bảo thời gian có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp dịch vụ logistics", ông Hải nêu ý kiến.
Lương Bằng
Vietnamnet
|